Tôi có ba người anh trai: anh Hai, anh Tư và anh Năm. Anh Năm gần tôi nhất nhưng cũng hơn tôi 15 tuổi. Có lẽ vì sự chênh lệch ấy mà từ bé đến khi đi tu tôi chưa một lần cảm nhận được sự quan tâm của anh dành cho tôi. Anh Hai và anh Tư còn thỉnh thoảng hỏi thăm tôi chuyện này chuyện kia còn anh Năm thì hầu như chưa bao giờ hỏi tôi có chăng chỉ là những lời nhắc nhở, la rầy trước những ươn lười và nghịch ngợm của tôi. Thế nên tôi chẳng thích anh Năm chút nào. Mẹ và anh Tư khi nghe tôi muốn đi tu đều cản ngăn và không hài lòng. Còn anh Năm chỉ nói rằng “Mẹ cứ để nó đi đi. Ba bữa nó về bây giờ. Nó mà tu hành gì!”. Nghe vậy tôi càng thất vọng về anh hơn đồng thời tôi cũng tự nhủ sẽ tu hành đàng hoàng cho anh thấy. Hiếu thắng là vậy nhưng bẵng đi một thời gian tôi cũng chẳng nhớ đến những lời của anh. Tôi chỉ tập trung cho cuộc sống sau cánh cửa tu viện của mình.

Ngày tôi được tuyên khấn lần đầu, cả nhà đều đến tham dự thánh lễ chỉ thiếu mỗi anh Tư. Từ phía cuối nhà nguyện, ba mẹ đưa tôi theo đoàn rước tiến lên cung thánh. Tôi nhìn một lượt những gương mặt thân quen: Bác Tư, cô Ba, cậu Tư, các anh chị….đang đứng hướng về phía đoàn rước với nụ cười mãn nguyện. Chợt tôi dừng lại nơi khuôn mặt một người đàn ông trung niên với hai dòng lệ ngấn dài. Anh Năm! Là anh đang khóc sao? Tôi có chút bối rối nhưng rồi vẫn tiếp tục đi và tập trung dâng Thánh lễ thật sốt sắng.

Mấy hôm sau, tôi được về thăm nhà. Mọi người gặp tôi đều tíu ta tíu tít vì lâu lắm rồi tôi mới về và lần này có chút đặc biệt vì “bà phước mới” được về quê. Các anh em trong dòng họ có lí do để ngồi lại và lai rai chén chú chén anh với nhau…Tôi ngồi trên võng đu đưa chơi cùng mấy đứa cháu. Rượu vào thì lời ra. Mấy ông anh của tôi thì thi nhau kể chuyện ngày lễ khấn của tôi cho các anh họ không có dịp đi.

Đầu tiên anh Hai nói:

-         Mấy ông ơi, nhìn cái cảnh ba má đưa Út lên bàn thờ, tui xém không kiềm được nước mắt. Nó linh thiêng gì đâu, rồi thêm ca đoàn hát cái bài nhập lễ tâm tình, xúc động lắm. Cảnh với nhạc nhìn chịu hông nổi!

-         Ông mà nhằm nhò gì, tui nè, bữa nước mắt tui rớt lộp độp. Nói thiệt chứ hồi ông nội mất, tui cũng hông khóc. Mà nhìn cảnh ba má đưa con Út lên bàn thờ tui xót chịu hông nổi. Như cảnh ông Abraham hiến tế Isaac. – Anh Năm tiếp lời.

-         Anh Tư cũng không chịu thua: Tui biết dị nên là tui đâu có đi lễ sợ lại chịu không được rồi khóc người ta cười cho.

Nghe đến đây tôi không nhịn nổi cười:  “Mấy anh ngộ ghê, ba mẹ dâng em cho Chúa mà các anh diễn tả như đưa ra pháp trường không bằng. Đàn ông gì mà mau nước mắt thế không biết.” Cả nhà cùng cười.

Miệng thì nói vậy thôi chứ trong lòng tôi vui như mở hội. Hóa ra các anh trai tôi không lạnh lùng như tôi vẫn nghĩ. Chỉ là không nói ra thôi chứ các anh vẫn thương yêu tôi một cách âm thầm như thế.

Một lần khác, khi tôi ở cộng đoàn gọi điện về hỏi thăm gia đình. Đúng lúc các anh đang ngồi ăn cơm với ba. Sau khi ba nói chuyện với tôi xong thì anh Năm giành nói:

“Em đi tu thì lo tu đi, chuyện ở nhà có các anh chị lo. Chứ tu hành mà lo lắng cho gia đình quá rồi sao làm tròn bổn phận của Nhà Dòng giao. Yên chí đi, ba mẹ có các anh chị lo. Em lo có cũng có làm được gì đâu. Cầu nguyện được rồi.”

Tôi hơi giật mình kiểu anh nói chuyện như “xuất thần”, không giống anh Năm mà tôi biết lúc bé. Tôi không ngờ là anh lại lo nghĩ cho tôi nhiều đến thế. Tôi cám ơn anh rồi nói thêm vài ba câu và cúp máy. Trong lòng bỗng tràn dâng một cảm giác hạnh phúc vì cảm nhận được tình thương chân thành mà anh dành cho tôi sau ngần ấy năm tôi không ưa gì anh ấy. 

Không phải ngọt ngào ấm áp nào cũng chan chứa tình yêu và cũng không phải tình yêu nào cũng có thể diễn tả bằng lời. Tôi thấy biết ơn Thiên Chúa vì cho tôi một mái ấm, một chỗ dựa để tôi an tâm sống ơn gọi của mình.

 

                                                                                                                                                                                               Mint

Khấn Sinh-TD.Cù Lao Giêng

Tôi hơi bất ngờ trước quyết định chuyển hướng của em vì tôi không nghĩ em lại chọn một con đường khác. Hình ảnh của em đọng lại trong tâm trí tôi là là một cô bé luôn đúng giờ và đơn sơ trong sáng. Tôi cũng cảm thấy có một chút bối rối. Chính câu chuyện của em làm cho tôi ý thức hơn về bổn phận phải cầu nguyện nhiều cho những ai sống đời thánh hiến nói chung, cũng như cho chị em trong Hội Dòng cách riêng.

Một trong những lời kinh mà tôi thấy đẹp nhất để có thể hiệp thông với các chị em mình đó là: “Lạy Chúa Giêsu chúng con khẩn cầu cho các chị em chúng con: những chị em trung tín và nhiệt thành; cũng như những chị em nguội lạnh; những chị em đang làm việc nơi đây vì danh Chúa và lợi ích các linh hồn; cũng như những chị em đang miệt mài trong vùng đất truyền giáo xa xôi; những chị em đang bị tấn công cám dỗ, mang nỗi buồn chán cô đơn và đau đớn ê chề; những chị em trẻ tuổi và già cả; những chị em đau yếu và đang hấp hối…”(Kinh phó thác vào Chúa Quan Phòng). Mỗi khi đọc đến đây, tôi thấy gần gũi chị em mình hơn bao giờ hết.

 - Đó là các chị cao niên đau bệnh nơi nhà hưu dưỡng. Các chị đã dùng cả thanh xuân để sống dự án của Cha Gioan Martino Moye và giờ đây các chị lại tiếp tục ôm ấp dự án ấy trong hy sinh và kinh nguyện của tuổi già.

- Đó là những chị em đang hiện diện xung quanh tôi, vẫn vui vẻ nói cười với tôi mỗi ngày. Nhưng, biết đâu chừng ở một góc khuất nào đó của tâm hồn, các chị đang phải mang nặng những nỗi đau, những cám dỗ hay cô đơn, buồn tủi….

- Đó là những chị em mà tôi chưa hề biết tên hay gặp gỡ, đang phục vụ ở một cùng đất xa xôi nào đó bằng hết cả nhiệt tâm của tuổi tác.

- Và tôi cũng nhớ đến những chị em đang nồng nàn tình mến, dấn thân cách hữu hiệu cho các sứ mạng được trao phó được tiếp tục triển nở và quảng đại hiến dâng và nhất là được gìn giữ khỏi kiêu căng, tự mãn. Có thể tôi sẽ không biết hết chị em mình nhưng tôi tin Chúa biết, Chúa thấy và Chúa sẽ không làm ngơ nếu ta khiêm tốn xin Ngài.

Nếu như đời dâng hiến được ví như ngọn đèn dầu thì sự gắn bó với Thiên Chúa hay đời sống cầu nguyện của người tu sĩ tựa như dầu để ngọn đèn có thể sáng mãi. Tuy nhiên, thực tế là bình dầu của người tu sĩ – của chị em chúng mình có thể vơi đi ít nhiều theo năm tháng. Lý do thì có rất nhiều cả chủ quan lẫn khách quan. Chính vì thế, việc cầu nguyện cho nhau không bao giờ thừa nếu không muốn nói là rất cần thiết. Chính tôi cũng được nâng đỡ và bảo vệ bởi tình thương và lời cầu nguyện của chị em mình và tôi chắc chắn từng người đều rất cần lời cầu nguyện và nâng đỡ tinh thần từ người khác đặc biệt là chính chị em sống cùng một linh đạo, chia sẻ cùng một sứ mệnh . Ước mong rằng lời kinh nguyện xuất phát từ tận đáy lòng của mỗi người sẽ là tiếng van nài tha thiết được Thiên Chúa đoái thương hầu tất cả được gìn giữ và chở che trong bàn tay từ ái của Ngài.

 

                                                                          Sr. Honorine Trúc Linh

                                                                        Khấn sinh TD Cù Lao Giêng

“Sự hiện diện của ông bà và người cao tuổi trong các gia đình và cộng đoàn là một điều quý giá, vì sự hiện diện này nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta chia sẻ cùng một di sản và thuộc về một dân tộc có cội nguồn được bảo tồn. Từ những người cao tuổi, chúng ta nhận được món quà thuộc về Dân Thánh của Thiên Chúa. Giáo hội cũng như xã hội đều cần đến họ, vì họ mang lại cho hiện tại một quá khứ cần thiết để xây dựng tương lai” (Sứ điệp Đức Thánh Cha cho Ngày Thế giới Ông bà và Người Cao tuổi lần thứ III năm 2023)

Quả vậy, là một nữ tu trẻ, con thấy biết ơn khi được sống gần, sống cùng vàsống với quý ngoại trong cộng đoàn nhà hưu dưỡng Cù Lao Giêng. Bởi lẽ, qua sự thánh thiện, gương mẫu, dễ thương và cả những kinh nghiệm phong phú về cách sống đời tu của quý ngoại, là động lực rất lớn để con cố gắng sống tốt hơn trong ơn gọi của mình. Một trong những điều làm con cảm phục nhất nơi quý ngoại đó chính là gương sống lời khấn vâng phục cách triệt để. Một điều hiển nhiên là không phải tất cả “mười phân vẹn mười”. Nhưng bên cạnh những “ngọn đèn chầu” ngày đêm miệt mài cháy sáng bên trong tu viện ấy, vẫn không thiếu những gương sáng làm cho lòng con cảm mến và bừng cháy khao khát được sống thánh thiện.


 Dù được mệnh danh là “những cây đại thụ” của Hội Dòng khi ở “tuổi đà xế bóng” ngoài 80, 90 và thậm chí là 100 tuổi, nhưng câu cửa miệng của quý ngoại vẫn luôn là “để mình xin phép Bà Nhất hay để mình xin Giám Tỉnh”. Hoặc khi được Bà Nhất mời gọi tham gia một hoạt động nào đó, thì quý ngoại không ngại sức khỏe, tuổi tác. Bên cạnh đó, nó còn được nhìn thấy tinh thần vâng phục của “những gốc đại thụ” qua thái độ đón nhận bệnh tật và những giới hạn của sức khỏe, tuổi tác… trong sự bình an. Tinh thần vâng phục trong một thái độ khiêm nhường “hóa nên như trẻ thơ trong lòng mẹ hiền” gợi lên trong lòng con sự cảm phục. Bởi nếu không tập sống vâng lời từ khi còn trẻ, liệu quý ngoại có thể “phản ứng đạo đức” như thế khi Bề Trên đáng tuổi con cháu hoặc có khi là học trò của mình chăng? Và liệu rằng, khi giới hạn của các giác quan dần yếu đi, quý ngoại có đủ nội lực để cám ơn Chúa thay vì than vãn, khi phải gánh chịu những cơn đau của bệnh tật luôn chực chờ để hành hạ thân xác cả ngày lẫn đêm? Chính cách sống của quý ngoại, giúp con phản tỉnh nhiều trong cách mà con sống lời khấn vâng phục. Ngày mới chập chững bước vào đời tu, cái nhìn của con về lời khấn này khá đơn sơ và dễ dàng. Con bé “tuổi mười tám đôi mươi” ngày ấy, nhìn lời khấn vâng phục theo kiểu mặt chữ “Bề trên bảo sao thì làm vậy”. Nếu không rõ thì cứ hỏi lại và làm theo đúng ý người là chắc ăn nhất. Tuy nhiên, qua những điều con học được từ quý soeurs giáo, nhất là qua gương sống của quý ngoại và cả những biến cố lớn nhỏ đến với con. Tất cả giúp con dần hiểu rõ hơn vâng phục chính là đón nhận thánh ý Chúa trong đời mình bằng niềm tin yêu, lòng cậy trông và sự phó thác. Mà ý Chúa thì nhiệm mầu, khó hiểu theo não trạng của mình, nên đôi lúc con phải chật vật, “đấu tranh nộitâm” để phân định, kiên nhẫn để lắng nghe và xin ơn can đảm để thực hành. Ý Chúa lại càng không dễ hiểu và đôi khi chẳng giống ý con, nên con phải học cách đón nhận trái ý để được lớn lên và triển nở. Nói thì dễ, nhưng đã không ít lần miệng nó thưa “Vâng” nhưng trong lòng thì “dậy sóng” khi phải đón nhận sứ mạng mà con cho là vượt tầm khả năng. Hay có những lần, con ngờ vực trước lời mời gọi của Bề Trên, vì với cái nhìn hạn hẹp của mình, con thấy điều đó không khả thi. Hoặc khi phải đón nhận những trái ý từ gia đình, con đã nghi ngờ vào tình thương của Chúa ...


Đứng trước những thách đố ấy, trước đây con thường nhìn lên Đức Maria, Người đã luôn khiêm nhường thưa vâng với Chúa trong “đêm tối” của đời mình, và việc lần hạt Mân Côi giúp con có thêm sức mạnh để xua tan những nghi nan, ngờ vực. Nay, con lại có thêm một niềm an ủi nữa chính là sự trung tín và bền đỗ của những “chị lớn” đã đi trước con, những người đã và đang sống một đời vâng phục trong tin yêu và phó thác. Bước trên con đường “ngược dòng” chẳng mấy ai đi, con ý thức rằng thách đố luôn có đó. Nhất là trong xã hội đề cao chủ nghĩa cá nhân, con rất dễ bị cám dỗ đặt cái tôi và tự ái của mình không đúng chỗ; trong thời đại mà lời mời gọi “vâng phục trong đối thoại” được cổ võ - có thể khiến nó đi lệch hướng để thay vì đối thoại tìm ý Chúa thì con đối thoại để được theo ý mình ...Và khi sống trong một thế giới mà người ta chạy theo lối sống hưởng thụ, con cũng sẽ ít nhiều bị cám dỗ khi khó đón nhận những trái ý nho nhỏ trong ngày sống, qua công việc bổn phận; với một kỉ nguyên số phát triển không ngừng, mọi thứ điều được số hóa, kĩ thuật hóa… thì thay vì đến với Chúa và xin Ngài chỉ cho nó thấy những điều  Ngài muốn con làm, có thể con sẽ có xu hướng làm ngược lại là đến với Chúa và xin Chúa “duyệt” những kế hoạch và những dự phóng của con chăng ? Vì thế, con thấy mình thật hạnh phúc để trân quý và biết ơn những gương lành từ quý ngoại. Đó như một “dấu lặng” giúp con hồi tâm và phản tỉnh để thấy sự thật và động cơ đằng sau cái gật đầu và tiếng “vâng” của con trong đời tu. Dấu lặng đó cũng là khoảng lặng giúp tiếp thêm động lực cho con trong chặng đường kế tiếp.
Và qua dấu lặng đó, con thấy mình được gần Chúa hơn bởi những gương sống ấy đã họa lại một phần gương mặt của Đức Giêsu - Đấng đã được nuôi dưỡng bằng ý muốn của Chúa Cha trong suốt đời Người.

 

Sr. Marie Honorine Trúc Linh

Khấn sinh TD. Cù Lao Giêng

 

 

“Ta đã yêu con bằng mối tình muôn thuở

Nên Ta vẫn dành cho con lòng xót thương”

(Gr 31,3)

 

Con như vỡ òa vì hạnh phúc, hai dòng nước mắt của con không ngừng rơi vì vui sướng khi con đọc bức thư mà Thầy gửi cho con với tựa đề “Khi đời có Chúa”. Những điều Thầy viết trong thư là một điều gì đó diễn tả đúng tâm trạng của con mà chính con ngay lúc bấy giờ cũng chưa thể nhận định và diễn tả một cách chính xác chúng ra được.

Bức thư được gửi đến cho con trong ngày đầu kỳ linh thao, chuẩn bị cho một sứ mệnh mới được lãnh nhận của con và như thế, con xác tín rằng, qua Thầy, Chúa đang an ủi con, đang tiếp thêm sức mạnh cho con khi con cảm thấy lo lắng và sợ hãi lúc con sắp “cam kết dấn thân vào một cuộc phiêu lưu chính thức qua lời Khấn Dòng.” Trong thư Thầy nói với con: “dù có được chuẩn bị kỹ lưỡng thể nào, chúng ta cũng không khỏi lo lắng và sợ hãi. Nỗi lo lắng và sợ hãi này không phải ở chỗ đọc lời khấn thế nào cho trơn tru trôi chảy, nhưng là một nỗi sợ sâu xa hơn, to lớn hơn, đó là nỗi sợ bất trung trước một cam kết với Thiên Chúa – điều vượt sức con người. Vì ta đều biết rằng, với sức riêng ta, chẳng ai dám nói mình sẽ tuân giữ được những đòi hỏi và thách đố bởi lời khấn hứa chính ta cam kết, ta sợ một ngày nào đó sẽ đứt gánh giữa đường, ta lo sợ và nuối tiếc rằng sau khi khấn, sẽ không còn tự do bởi những ràng buộc của lời khấn dòng, ta sợ hãi khi đứng nhìn về tương lai, ta không biết sẽ đi được bao lâu và sẽ đi như thế nào! Lòng người hay thay đổi, ta còn chẳng hiểu nổi mình thì sao dám liều mình trong một cam kết như thế? Chính sự “phiêu linh” đó làm ta sợ hãi, một nỗi sợ rất con người, là điều hoàn toàn bình thường trước một huyền nhiệm lớn lao. Ta biết rằng sức riêng của ta thì không thể, nhưng ta chấp nhận “phiêu linh” vì biết rằng bên đời ta có Chúa, và đời ta cũng tuyệt đẹp bởi cái phiêu linh đó.” Khi ta nhận ra bên đời mình luôn có Chúa ta chẳng còn sợ lo chi, nhưng biết phó thác đời mình hoàn toàn cho Thiên Chúa và tự do dấn bước theo Chúa qua phương tiện là các lời khấn dòng mà ta đã can đảm tuyên khấn.

Các bạn thân mến! Lời mời gọi bước vào và bước theo đời sống thánh hiến là một chuyến “phiêu linh” kỳ diệu mà Chúa mời gọi chúng ta bước đi, để nơi đó Ngài cho chúng ta được gặp gỡ Ngài, được đụng chạm đến Ngài và hưởng nếm tình yêu ngọt ngào của Ngài qua những kinh nghiệm riêng tư – chỉ có Ngài và tôi, nơi tận sâu tâm hồn. Và chắc chắn rằng Chúa vẫn luôn hiện diện với chúng ta ngang qua những người đã, đang và sẽ đồng hành với chúng ta trong cuộc sống tươi đẹp này. Tôi tin tưởng rằng Chúa sẽ luôn gìn giữ họ trong bình an và tình yêu của Ngài.

Lạy Chúa! Con muốn cất cao lời ca cảm tạ Chúa, bởi Ngài đã yêu thương chọn gọi con bước vào cuộc sống thần linh của Ngài, khi con còn đầy dẫy sự yếu đuối và tội lỗi, thiếu đức tin và tâm tình phó thác. Ngài vẫn luôn yêu con, tin tưởng, bảo vệ và xót thương con.

                       

Nhật Hạ - TD.Cần Thơ

Dân của Thiên Chúa là dân nhận biết Ngài trong chân lý, và phụng sự Ngài cách thánh thiện (GLHTCG sô 781). Thiên Chúa không thuộc riêng một dân nào. Ngài thủ đắc cho mình một dân từ những người trước kia không phải là một dân (GLHTCG số 782)”.

Những người dân của Nước Thiên Chúa không riêng biệt một dân tộc hay một quốc gia nào, mà dựa trên sự nhận biết và phụng sự Ngài cách thánh thiện theo huấn quyền của một Hội Thánh của Ngài. Điều đó có nghĩa rằng, một người bất kỳ là Kitô hữu cũng là anh em của tôi trong đức tin. Điều mà đôi khi tôi chưa thật sự ý thức.

 Một người bạn gần đây đã nói với nó nhiều hơn về vấn đề của những người sống độc thân. Từ đó cũng làm dấy lên trong trí nó lăn tăn những dòng nghĩ suy. Hiện nay, vấn đề này trở thành một điều gì đó đáng lo ngại, khi họ cảm thấy như bị dồn vào một đời sống cô độc và nhàm chán không có tương lai. Người bạn của nó đã rất sáng suốt, gọi đúng tên sự việc đã nói với nó, đấy là vấn đề lớn của những người độc thân, chính là vấn đề của con tim, của tình yêu, và vấn đề này ít khi được nhắc đến.