Hai từ “truyền giáo” hình như gây phản cảm, không phù hợp với tâm thức của con người thời đại. Vậy “truyền giáo” có ý nghĩa ra sao mà khiến nhiều người ngoài công giáo không thiện cảm khi nghe đến? Ta thử tìm hiểu xem:

1. Truyền giáo là gì?

1. Từ điển Tiếng Việt định nghĩa:

– Truyền: là chuyển cái mình đang nắm giữ cho người khác, thường thuộc thế hệ sau: truyền nghề, truyền ngôi báu, truyền kiến thức cho học sinh.

– Gíáo: là tôn giáo, đạo giáo, giáo lý…

* Vậy có thể nói “truyền giáo” là truyền bá tôn giáo hay chuyển tải đạo giáo.

2. Theo Lm. Phan Tấn Thành, O.P: “Truyền giáo” được dịch từ nguyên gốc tiếng La-tinh là “missio” (và tiếng Pháp và tiếng Anh phiên âm thành mission). Thế nhưng, missiokhông phải là truyền giáo.

Như thế thì missio có nghĩa là gì?

Trong tiếng La-tinh, missio là một danh từ gốc bởi động từ mittere có nghĩa là: gửi (thí dụ gửi một lá thư), cử đi, phái đi làm một công tác nào đó.

Tân Ước đã sử dụng theo một nghĩa rất đặc biệt để nói đến sứ mạng của Đức Kitô và của Hội Thánh. Ở đầu Tin Mừng theo Thánh Luca, chúng ta thấy thiên sứ Gabriel được Thiên Chúa cử đến (missus est) Nazareth để báo tin cứu thế cho Đức Maria (Lc 1,26).

Sang chương 4, ta thấy Đức Giêsu vào hội đường Nazareth, mở Kinh Thánh, và áp dụng cho bản thân câu nói của ngôn sứ Isaia “Thần khí Chúa ngự trên tôi, xức dầu cho tôi và phái tôi (misit me) rao giảng Tin Mừng cho người nghèo” (Lc 4,18).

Tư tưởng này cũng gặp nơi Thánh Gioan, chẳng hạn như ở chương 10 câu 36, Đức Giêsu tự xưng rằng mình là kẻ được Chúa Cha thánh hiến và phái đến trần gian (misit in mundum).

Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và nói: “Như Chúa Cha đã phái Thầy, Thầy cũng phái anh em”; sự phái-ủy này tiếp theo tác động thổi hơi trên các tông đồ, biểu trưng cho việc trao ban Thần khí. Thực vậy, tại nhà Tiệc ly, trong đêm Tử Nạn, Chúa Kitô đã hứa sẽ phái Thánh Linh đến với các môn đệ để họ tiếp tục sứ mạng của Người (Ga 16,7).

* Tóm lại, missio trong Tân Ước có nghĩa là việc cử đi, phái đi; từ đó ta hiểu được tại sao trước đây được dịch là “thừa sai” (có nghĩa là: nhận sự sai khiến của ai đó, nhờ ai làm một việc gì đó); gần đây, có người dịch là “sứ vụ, sứ mạng”.

Như vậy, để tránh cái nhìn tiêu cực cho nhiều người, từ nay chúng ta nên dùng từ sứ vụ “loan báo tin mừng” thay cho “truyền giáo”.

2. Tại sao ta phải thi hành sứ vụ loan báo tin mừng?

– Ý muốn của Chúa Cha (Chúa Cha sai Chúa Con là Đức Giêsu Kitô đến thế gian để loan báo tin mừng, dưới tác động của CTT. Chúa Con tiếp tục sai các môn đệ qua lệnh truyền trước khi về trời…).

– Xác tín của Hội Thánh (Công đồng Vaticano II và giáo huấn của GH).

– Nhiệm vụ và bổn phận ngôn sứ của người Kitô hữu. (Khi lãnh nhận bí tích rửa tội và thêm sức).

– Thực hiện đức bác ái (chân lý, niềm vui và hạnh phúc đích thực phải được chia sẻ theo tinh thần “lãnh nhận nhưng không phải cho nhưng không”).

3. Ai có nhiệm vụ loan báo tin mừng?

– Đầu tiên là những người lãnh đạo cộng đoàn trong GH (Chúa sai 12 tông đồ).

– Tất cả mọi Kitô hữu (Chúa sai 72 môn đệ).

4. Loan báo tin mừng cho ai?

– Những người tin và đang sống đức tin (tân phúc âm hóa).

– Những người tin nhưng chưa sống đức tin tích cực (bỏ phục sinh, rối Hp, không tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đoàn Họ đạo…).

– Những người đồng hương, đồng bào nhưng chưa đồng đạo. (anh chị em chưa tin Chúa).

5. Loan báo tin mừng ở môi trường nào?

– Bản thân và Gia đình mình.

– Làng xã (những người sống chung quanh).

– Nơi làm việc (trường học, công sở, xí nghiệp công ty…).

6. Loan báo tin mừng bằng cách nào?

– Cầu nguyện “xin chủ ruộng” (gương thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, thánh nữ Mônica).

– Xử dụng phương tiện truyền thông, mạng xã hội (zalo, facebook, Email…)

– Trực tiếp loan báo tin mừng của Chúa bằng lời nói (tông đồ Phaolô, thánh Phanxicô Xavie và các nhà truyền giáo đã thi hành).

– Làm chứng về những giá trị Tin mừng bằng chính đời sống mình (gương mẹ thánh Têrêsa Calcutta, các thánh tử đạo VN…).

7. Cầu xin và noi gương Mẹ Maria.

– Khiêm tốn lắng nghe, suy niệm và vâng phục thánh ý TC để Ngôi Lời TC thấm nhập vào trong cung lòng mình.

– Sẵn sàng lên đường không ngại hy sinh để ra đi đem niềm vui tin mừng cứu độ đến cho tha nhân như Mẹ đã đem Chúa Giêsu đến với bà chị họ Isave.

– Luôn trân quý, gìn giữ lời của Chúa sao cho được lớn lên trong đời sống của mình tựa như Mẹ Maria đã gìn giữa, chăm sóc cho Ngôi Lời TC được lớn lên trong suốt 30 năm sống ẩn dật tại vùng quê Nazaret.

– Biết lưu tâm, đồng hành và cộng tác tích cực cùng với GH trong sứ vụ loan báo tin mừng như Mẹ Maria khi xưa đã dõi theo chân Chúa Giêsu trên mọi nẻo đường trong suốt 3 năm rao giảng.

– Noi gương Mẹ Maria sẵn sàng đón nhận những nghịch cảnh xảy ra khi làm chứng nhân cho Tin mừng như Mẹ Maria khi xưa đã phải đón nhận những đau khổ cùng Chúa Giêsu trên con đường khổ nạn.

– Noi gương Mẹ Maria cầu nguyện, giúp đỡ, cộng tác với các vị mục tử trong việc truyền giáo như Mẹ Maira khi xưa đã hiện diện khích lệ, nâng đỡ và cầu nguyện cùng với các môn đệ trong phòng tiệc ly và trên bước đường thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng.

TA PHẢI LÀM GÌ ĐỂ GÓP PHẦN VÀO VIỆC LOAN BÁO TM?

“Công cuộc truyền giáo (LBTM) mãi mãi là vấn đề sống còn của Hội Thánh trên đất nước chúng ta”. Đó là lời mở đầu của Uỷ Ban Loan Báo Tin Mừng trực thuộc Hội Đồng giám Mục ViệtNam sau 50 năm nỗ lực truyền giáo. Vì thế truyền giáo hay loan báo Tin mừng là nhiệm vụ hàng đầu của Giáo Hội. Giáo Hội có được lớn mạnh hay không tùy thuộc vào việc loan báo Tin mừng.

Công đồng Vatican II khẳng định rõ rằng: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là truyền giáo” (Ecclesia peregrinans natura sua missionaria est, Ad Gentes 2). Sẽ không là Giáo Hội hay là người kitô hữu nữa nếu không loan báo Tin mừng.

Trên hết truyền giáo hay loan báo Tin mừng là lệnh truyền tâm quyết của Chúa Giêsu. Nên trước khi về trời Ngài đã di chúc lại cho các Tông đồ: “Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội.” (Mc 16,15-16).

Vậy đã rõ mục đích của việc loan báo Tin mừng là để người khác tin vào Chúa Giêsu, nhận lãnh phép rửa và được cứu độ. Nhưng làm thế nào để việc loan báo tin mừng mang lại hiệu quả?

  1. Trước hết chúng ta phải có sự hiểu biết sâu xa về Chúaqua việc không ngừng học hỏi Thánh Kinh và trau dồi kiến thức giáo lý. Vì làm sao ta có thể giới thiệu một người cho người khác nếu ta không hiểu không biết người đó là ai? Thánh Giêrônimô đã nói thật chí lý: “không biết Thánh Kinh là không biết Chúa Kitô”.
  2. Bên cạnh việc giới thiệu Chúa cho người khác, chúng ta còn phải làm chứng về Chúatrong cuộc sống hằng ngày, đừng để đời sống của chúng ta phản chứng lại những gì chúng ta loan báo trên môi trên miệng. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI vừa được GH tôn phong lên bậc hiển thánh vào ngày 14/10/2018 đã nhấn mạnh giá trị của đời sống chứng nhân trong việc loan báo Tin Mừng như sau: “Người thời nay tin vào các chứng nhân hơn là thầy dạy, và nếu họ có tin vào thầy dạy là vì các thầy dạy ấy đã là những chứng nhân”.
  3. Chúng ta can đảm tuyên xưngmình là người kitô hữu, đừng chỉ vì những lợi ích vật chất mà ta chối bỏ niềm tin của mình.
  4. Chúng ta can đảm sống những giá trị Tin Mừngnhư: sự thật, công bằng, bác ái…mặc dù đôi lúc vì những giá trị này mà chúng ta phải chịu thiệt thòi, ngay cả sự hiểu lầm của người khác.
  5. Cuối cùng chúng ta phải tích cực thực hành niềm tincủa mình. Làm sao người ta có thể tin có Chúa khi thấy một người Công Giáo không thực hành niềm tin và sống tình bác ái. Có ai đó đã thốt lên “Tôi tin có đạo Công Giáo nhưng tôi không tin người Công Giáo” thật là đau lòng!

Vậy mỗi người trong chúng ta hãy thao thức ưu tư về việc truyền giáo. Thao thức lo âu chưa đủ, Chúa còn muốn chúng ta hãy có những hành động cụ thể tùy theo bậc sống và khả năng của mỗi người.

Lạy Chúa, Chúa đã từng băn khoăn khắc khoải “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”, Chúa muốn mỗi người hãy là những tay thợ gặt lành nghề. Xin Chúa ban thêm cho chúng con sự can đảm, lòng hăng say nhiệt tình giới thiệu Chúa cho những người chung sống và làm việc chung với chúng con bằng chính cuộc sống chứng tá của chúng con. Xin cho chúng con biết cùng cộng tác với Hội Thánh trong sứ mạng truyền giáo với hết khả năng, sức lực mà Chúa ban với ý thức đó chính là công việc “sống còn” của chúng con và của Gíao hội.

 

† NÊN GIỐNG CG TRONG SỨ VỤ LOAN BÁO TM

Theo thống kê của Phòng Báo Chí Tòa Thánh vào ngày 06/03/2019 cho biết: tính đến thời điểm cuối năm 2017, tổng dân số trên thế giới là 7 tỷ 408 triệu người; trong đó có 1 tỷ 313 triệu người Công giáo được rửa tội, chiếm 17,7% dân số thế giới.

Nếu phân chia theo từng châu lục thì có 48,5% sống ở châu Mỹ; 21.8% ở châu Âu; 17.8% sống ở châu Phi; 11.1% ở châu Á và 0.8% ở châu Đại Dương.

Còn ở Việt Nam chúng ta chỉ có 8% (theo báo cáo HĐGMVN 05/03/2018).

Cách riêng Giáo Phận Cần Thơ hiện nay, tổng dân số là 5.598.951 người, sống trên địa bàn khá rộng 14.423km, bao gồm: thành phố Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Nhưng người Công giáo chỉ có khoảng 191.000 tín hữu, chiếm tỉ lệ rất bé nhỏ là gần 3,4%.

Khi nhìn như vậy, ta mới nhận thấy cánh đồng loan báo tin mừng còn bao la bát ngát; sứ mạng loan báo tin mừng hết sức khẩn thiết, đòi buộc chúng ta phải quan tâm cách đặc biệt cho việc loan báo tin mừng.

Khi thiết lập Giáo Hội, Chúa Giêsu đã trao sứ vụ rao giảng Tin mừng cho các tông đồ và ngày nay cho từng người tín hữu. Bổn phận này chúng ta đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội và được củng cố nhờ bí tích thêm sức.

Nhưng làm thế nào để thực hiện sứ mạng cấp thiết này?

Tin mừng hôm nay Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta một vài cách thức:

– Hãy nên giống Chúa, biết chạnh lòng thương đối với tha nhân, nhất là những người bị bỏ rơi….(x. Mt 9,36).

– Hãy nghe theo lời Chúa dạy, là cầu xin với Chúa, chủ mùa gặt… (x. Mt 9, 38). Bởi vì chỉ mình Chúa mới đánh động lòng người và làm cho người khác tin Chúa mà thôi; chứ người phàm không có khả năng làm được điều đó vì ta chỉ là khí cụ của Chúa. Ta hãy cầu xin cho có nhiều thợ gặt lành nghề sẵn sàng dấn thân hy sinh lo cho việc truyền giáo; đồng thời, chúng ta cũng cầu xin cho từng người chúng ta biết tích cực góp công sức, thời giờ, sức khỏe và cả của cải tiền bạc để lo cho việc truyền giáo.

– Cuối cùng hãy làm theo ý Chúa. Mỗi kitô hữu chúng ta phải có đời sống tốt lành thánh thiện, làm gương sáng cho người khác. Chính Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nói : “Người thời nay không thích những thầy dạy cho bằng nhân chứng”. Chúng ta chỉ có thể truyền giáo bằng gương sống của chúng ta qua việc sẵn sàng giúp đỡ mọi người, nhất là những ai đau khổ theo tinh thần bác ái kitô giáo như Chúa Giêsu chỉ dạy: “Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.” (Mt 10,8).

Ước gì đời sống mỗi người, mỗi gia đình biết nghe lời Chúa, làm theo ý Chúa, để mỗi ngày nên giống Chúa hơn trong cung cách sống yêu thương, nhờ đó mới có thể minh chứng cụ thể niềm tin và lòng yêu mến Chúa của chúng ta.

https://gpcantho.com/suy-niem-loi-chua-tuan-xxix-thuong-nien/