https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/10-dieu-ban-can-biet-ve-mua-vong-36665

Hầu hết trong chúng ta có một sự hiểu biết trực quan về Mùa Vọng dựa trên kinh nghiệm, nhưng những văn kiện chính thức của Giáo Hội thực sự nói gì về Mùa Vọng? Dưới đây là một số câu hỏi cơ bản và những hồi đáp (chính thức!) về Mùa Vọng.

Một số trong đó thật bất ngờ!

  1. Mục đích của mùa Vọng là gì?

Mùa Vọng là một mùa trong niên lịch phụng vụ của Giáo Hội – chính xác hơn, thuộc niên lịch của Giáo Hội Latinh, là Giáo Hội lớn nhất hiệp thông với Đức Giáo Hoàng.

Những Giáo Hội Công giáo khác – cũng như nhiều Giáo hội không phải Công giáo — có tổ chức Mùa Vọng nhưng theo cách thức riêng của họ.

Theo sách: "Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch", Mùa Vọng có một đặc tính với hai khía cạnh:

- Là một mùa để chuẩn bị cho Giáng Sinh khi chúng ta tưởng niệm việc Đức Kitô đến lần thứ nhất.

- Như là một Mùa mà việc nhớ lại ấy hướng tâm trí của chúng ta tới sự chờ đợi cho lần trở lại của Đức Kitô trong ngày sau hết.

Do đó, Mùa Vọng là một thời kỳ sốt sắng và mong đợi trong hân hoan.

Chúng ta thường nghĩ về Mùa Vọng chỉ như là một mùa chuẩn bị cho Giáng sinh hay tưởng nhớ việc Đức Kitô đến lần thứ nhất, nhưng như sách: "Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch" chỉ ra, thật quan trọng để nhắc nhớ rằng Mùa Vọng còn là dịp để chúng ta hướng tới sự trở lại của Đức Kitô. Cho nên, có thể nói Mùa Vọng đưa tâm trí chúng ta hướng về hai lần đến thế gian của Đức Kitô.

  1. Những màu phụng vụ nào được sử dụng trong mùa Vọng?

Những ngày đặc biệt và những nghi thức cử hành nào đó có thể có những màu riêng (thí dụ, màu đỏ dành cho lễ kính các thánh tử đạo, màu đen hay trắng vào dịp lễ an táng), nhưng màu thông thường của Mùa Vọng là tím. Sách "Quy Chế Tổng quát Sách lễ Rôma" đưa ra: Màu tím hay đỏ tía được sử dụng trong Mùa Vọng và Mùa Chay. Các màu này cũng có thể được mặc trong những nghi thức và Thánh lễ an táng (346d).

Ở nhiều nơi, có một ngoại lệ đáng chú ý cho Chúa Nhật thứ ba Mùa Vọng, được biết tới như là “Chúa Nhật vui” (Gaudete) : Màu hồng có thể được sử dụng trong ngày Chúa Nhật vui và Chúa Nhật thứ ba Mùa Chay (Laetare). (GIRM 346f).

  1. Phải chăng Mùa Vọng là mùa thống hối?

Chúng ta thường nghĩ về Mùa Vọng như là mùa thống hối bởi vì màu tím trong phụng vụ, giống như màu của mùa Chay – màu dành cho mùa sám hối.

Tuy nhiên, sự thực là Mùa Vọng không phải là mùa thống hối. Thật ngạc nhiên!

Theo điều khoản của Giáo Luật: số 1250: những ngày và những lần sám hối trong Giáo Hội hoàn vũ là mọi thứ sáu trong cả năm và cả mùa Chay.

Mặc dầu các đấng bản quyền địa phương có thể thiết lập thêm những ngày sám hối, song, trên đây đã là một danh sách đầy đủ của những ngày và những lần thống hối trong Giáo Hội Latinh cũng như toàn thể Giáo Hội, và Mùa Vọng không phải là một trong số đó.

  1. Mùa Vọng bắt đầu và kết thúc khi nào?

Theo "Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch": Mùa Vọng bắt đầu với giờ Kinh Chiều I của Chúa Nhật ngày hoặc gần ngày 30/11 nhất; Mùa Vọng sẽ kết thúc vào trước giờ Kinh Chiều I của lễ Giáng Sinh (số 40).

Chúa Nhật đúng vào hay gần với ngày 30.11 nhất có thể trong khoảng 27.11 – 3.12, tùy theo năm.

Trong trường hợp một Chúa Nhật, giờ Kinh Chiều I được xem như vào Kinh Chiều I trước đó (thứ 7). Theo hướng dẫn tổng quát của các giờ kinh phụng vụ: Được cử hành ngay trước Thánh lễ, giờ Kinh Chiều được gộp vào cùng một cách thức như Kinh Sáng. Giờ Kinh Chiều I của những lễ trọng, các Chúa Nhật hay lễ kính Chúa rơi vào ngày Chúa Nhật có thể không được cử hành cho tới sau Thánh lễ của ngày hôm trước hay thứ bảy.

Điều này có nghĩa rằng, Mùa Vọng bắt đầu vào buổi chiều của thứ 7 giữa 26/11 – 2/12; kết thúc vào chiều ngày 24.12, lúc cử hành Kinh Chiều I lễ Giáng Sinh (25/12).

  1. Vai trò của các Chúa Nhật trong Mùa Vọng?

Có 4 Chúa Nhật trong Mùa Vọng. "Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch" tuyên bố: Các Chúa Nhật của mùa này được gọi là Chúa Nhật thứ nhất, thứ Hai, thứ Ba và thứ Tư của Mùa Vọng (số 41)

Chúng ta đã đề cập trước đó về Chúa Nhật thứ ba có tên đặc biệt là Gaudete – từ Latinh có nghĩa là “niềm vui” là từ đầu tiên trong ca nhập lễ của Thánh lễ trong ngày này.

Giáo Hội gán cho các Chúa Nhật này có tầm quan trọng đặc biệt, những ngày ưu tiên hơn tất cả những cử hành phụng vụ khác. Vì thế, "Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch" tuyên bố: bởi vì tầm quan trọng đặc biệt của ngày này, cử hành Chúa Nhật chỉ dành cho lễ trọng hay lễ kính Chúa. Các Chúa nhật của Mùa Vọng, Mùa Chay và Phục Sinh được ưu tiên trên tất cả các lễ trọng và lễ kính Chúa. Các dịp lễ trên nếu rơi vào những Chúa Nhật này sẽ được cử hành trong các ngày thứ 7 trước đó (số 5).

  1. Những gì diễn ra với các ngày trong tuần?

Các bài giảng dành cho các ngày trong tuần của Mùa Vọng được khuyến khích đặc biệt. "Những Quy Luật Tổng Quát về Năm Phụng Vụ và Niên Lịch" cũng chỉ ra vai trò đặc biệt các ngày trong tuần của tuần lễ trước Giáng sinh: các ngày trong tuần từ 17-24/12 hướng tới việc phục vụ chuẩn bị trực tiếp hơn dành cho sinh nhật của Đức Kitô. (số 41).

Vai trò đặc biệt ấy được minh chứng trong các bài đọc Kinh Thánh được sử dụng trong phụng vụ trong những ngày này.

  1. Các nhà thờ được trang hoàng như thế nào trong suốt Mùa Vọng?

Trong Mùa Vọng, bàn thờ được chưng hoa cách vừa phải, thích hợp với đặc tính của mùa, để không cho thấy quá sớm niềm vui trọn vẹn của ngày Sinh Nhật Chúa.  (x. GIRM 305).

  1. Âm nhạc được sử dụng như thế nào trong suốt Mùa Vọng?

Trong Mùa Vọng được phép đánh phong cầm và các nhạc cụ khác cách vừa phải, phù hợp với đặc tính của mùa này, nhưng đừng đi trước niềm vui trọn vẹn của lễ Chúa Giáng Sinh. (x GIRM 313).

  1. Kinh Vinh danh có được đọc hay hát trong suốt Mùa Vọng không?

Kinh Vinh danh không được đọc hay hát trong dịp này.

  1. Những việc đạo đức riêng nào chúng ta nên thực hiện để trở nên thiết thân với Thiên Chúa hơn trong suốt Mùa Vọng?

Có nhiều việc đạo đức khác nhau mà Giáo Hội đã chấp nhận cho sử dụng trong suốt Mùa Vọng. Phổ biến hơn cả là Vòng hoa mùa Vọng.

Tác giả: Jimmy Akin, ncregister.com
Chuyển ngữ: Joseph Trần Ngọc Huynh, S.J.
Nguồn: dongten.net

 

 

Peter Jesserer Smith

WHĐ (03.11.2023) – Khoá họp thứ nhất của Thượng Hội đồng về hiệp hành đã kết thúc, với kết quả được gói gọn trong một Bản Tổng hợp dài 41 trang dành cho toàn thể Giáo hội để tiếp thu, suy tư, và đưa ra phản hồi trước khi bước vào Khoá họp cuối cùng của Thượng hội đồng vào tháng 10.2024.

Bản Tổng hợp của khoá họp từ ngày mồng 04 - 29.10.2023, về cơ bản là một công cụ để phân định, và khơi thêm sự suy tư và phản hồi từ toàn thể Giáo hội. Khoá họp tiếp theo của Thượng Hội đồng ở Roma sẽ có nhiệm vụ đưa ra quyết định về những đề xuất cụ thể nào sẽ được trình lên Đức Thánh Cha. Cuối cùng, Đức Thánh Cha sẽ quyết định những gì cần thực hiện của Thượng Hội đồng về hiệp hành.

WHĐ (27.10.2023) – Ngày 29 tháng 9 vừa qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam phổ biến Thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô “gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thoả thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam”. Ngày 04 tháng 10 năm 2023, Đức Tổng Giám mục Giuse Nguyễn Năng, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thay mặt cho Giáo hội tại Việt Nam viết Thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Sau khi Đức Tổng Giám mục Marek Zalewski, Sứ Thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam xác nhận Đức Thánh Cha đã nhận thư này, Văn phòng Hội đồng Giám mục Việt Nam trân trọng phổ biến nội dung Thư gửi Đức Thánh Cha Phanxicô.

Linh mục Giuse Đào Nguyên Vũ
Chánh Văn phòng
Ngày 27 tháng 10 năm 2023

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/giao-hoi-viet-nam-gui-thu-den-duc-thanh-cha-phanxico-52868

Kính trình Đức Giáo Hoàng Phanxicô
Prot. No 2315/CBCV

Lễ thánh Phanxicô Assisi, ngày 4 tháng 10 năm 2023,

Trọng kính Đức Thánh Cha,

Ngày 28 tháng 9 vừa qua, Đức Tổng Giám Mục Marek Zalewski, Sứ Thần Toà Thánh tại Singapore kiêm Đại Diện không thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam trao cho con thư Gửi cộng đoàn Công giáo Việt Nam nhân dịp công nhận Thoả thuận về Qui chế cho Đại diện thường trú của Toà Thánh và Văn phòng Đại diện thường trú của Toà Thánh tại Việt Nam để công bố ngày 29 tháng 9 năm 2023. Dân Chúa tại Việt Nam hân hoan đón nhận Thư của Đức Thánh Cha với lòng biết ơn sâu đậm vì Đức Thánh Cha đã yêu thương khích lệ đoàn con ở xa đang sống và làm chứng cho Tin Mừng trên quê hương chúng con.

Qua Thư này, Đức Thánh Cha đã khẳng định con đường chúng con đang đi là đúng Phúc Âm và giáo huấn của Hội Thánh, nhất là đúng với hướng dẫn của Đức Thanh Cha, đó là loan báo Tin Mừng yêu thương bằng sự dấn thân phục vụ những người bé mọn và khổ đau. Nhờ đối thoại, tôn trọng và phục vụ, Hội Thánh tại Việt Nam đã trở thành những người “đáng tin” trước mặt các nhà lãnh đạo chính quyền và các thành phần trong xã hội trên quê hương của chúng con.

Chúng con nhận ra niềm vui của Đức Thánh Cha khi thấy mối quan hệ giữa Việt Nam và Toà Thánh “tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, qua đó “có thể cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”. Chúng con cám ơn Đức Thánh Cha đã khích lệ Hội Thánh tại Việt Nam và chúng con hứa sẽ tiếp tục can đảm tiến bước trên con đường này để làm chứng cho sứ điệp Tin Mừng và để “nới rộng lều” của Hội Thánh như tinh thần của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đang bắt đầu. Chúng con nguyện xin Chúa Thánh Thần ngự đến và thực hiện một lễ Hiện xuống mới để Hội Thánh tiến bước theo lối sống hiệp hành trong thiên niên kỷ này.

Với trọn tình con thảo, chúng con xin Chúa tuôn đổ tình yêu và ân sủng nơi Đức Thánh Cha để ngài chu toàn sứ vụ mục tử Hội Thánh hoàn vũ. Chúng con tha thiết kính mời Đức Thánh Cha đến thăm Việt Nam và rất mong mỏi được quy tụ chung quanh vị mục tử Đại diện Chúa Kitô để được khích lệ củng cố sự hiệp thông, tham gia và thi hành sứ mạng truyền giáo.

Với lòng hiếu thảo của Dân Chúa tại Việt Nam,

Đã ký

+ Giuse Nguyễn Năng

Tổng Giám mục TGP Thành phố Hồ Chí Minh

Chủ tịch HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/muoi-hai-loi-khuyen-cua-duc-thanh-cha-phanxico-de-tro-thanh-nguoi-cu-khoi-trong-viec-loan-bao-tin-mung-52842

Aline Laschine

Khám phá mười hai lời khuyên mà Đức Phanxicô đã đưa ra trong bài giáo lý của ngài về “Niềm say mê truyền giáo: lòng nhiệt thành tông đồ của các tín hữu” để khuyến khích mọi Kitô hữu làm chứng cho Chúa Kitô.

Kể từ tháng 1 năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dành những buổi tiếp kiến ​​chung của mình cho một chu kỳ dạy giáo lý về loan báo Tin Mừng. Trong suốt cuộc hành trình này, ngài đã đưa ra nhiều lời khuyên cho việc truyền giáo, đồng thời nhắc nhở rằng Giáo hội, và do đó, mỗi người đã được rửa tội, được mời gọi tiếp tục sứ mạng của Chúa Kitô và loan báo Tin Mừng cho thế giới.

  1. Mỗi Kitô hữu đều được mời gọi loan báo Tin Mừng

Đức Thánh Cha nói: trong Dân Thiên Chúa, “không có sự phân công trách nhiệm cho người này là rao giảng Tin Mừng bằng cách này hay cách khác, và những người kia thì im lặng […] cũng không có sự phân công trách nhiệm cho người này thì hoạt động tích cực và người kia thì không”. Bởi vì, mỗi người đã được rửa tội đều được mời gọi loan báo Tin Mừng, bất kể chức vụ hay trình độ kiến thức đức tin của họ. Để không nhốt mình trong sự tĩnh lặng, Đức Thánh Cha mời gọi mỗi Kitô hữu nhận ra vẻ đẹp và sự nhưng không của món quà đã được trao cho mình và mang món quà này đến cho người khác: “Các con đã nhận được nhưng không, hãy cho đi một cách nhưng không” (Mt 10, 8).

  1. Đừng chờ đợi biết mọi thứ

Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta không được đợi cho đến khi chúng ta hoàn hảo và đã đi một chặng đường dài theo Chúa Giêsu để làm chứng cho Ngài”. Sứ mạng loan báo Tin Mừng của chúng ta “bắt đầu từ hôm nay”. Bản thân các tông đồ cũng không hoàn hảo và họ không chờ đợi để trở nên hoàn hảo hoặc biết hết mọi sự trước khi bắt tay vào sứ mạng này. Chúa Giêsu đã sai họ “trước khi hoàn tất việc chuẩn bị của họ”, Đức Thánh Cha giải thích và đồng thời nhắc lại rằng kinh nghiệm truyền giáo “là một phần của việc đào tạo”.

  1. Loan báo rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta

Thiên Chúa là ai? », Đức Thánh Cha hỏi trong bài giáo lý của mình, và giải thích: Người là “Đấng gần gũi, dịu dàng, thương xót”. Đây là thực tại của Thiên Chúa và nó phải được công bố cho mọi người, bởi vì “tình yêu của Thiên Chúa không chỉ dành cho một nhóm nhỏ mà dành cho tất cả mọi người”. Tất cả chúng ta đều là con cái yêu dấu của Chúa, bất chấp lỗi lầm và khuyết điểm, và Người luôn yêu thương chăm sóc mỗi người chúng ta. Đức Thánh Cha thốt lên: “Thật tuyệt vời biết bao khi được chia sẻ ánh sáng này với người khác”. “Anh chị em có coi cuộc sống của mỗi người chúng ta là một cử chỉ của tình yêu không? Đó có phải là một lời mời gọi yêu thương không? “.

  1. Loan báo rằng Thiên Chúa tha thứ

Chúa Giêsu đến để giải thoát những người bị áp bức và do đó là những người cảm thấy bị đè bẹp bởi những sai lầm và tội lỗi mà không phương thuốc nào của con người có thể chữa lành được. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc lại : “Tin vui là với Chúa Giêsu, sự dữ cổ xưa này, tội lỗi, dường như bất khả chiến bại, không còn có tiếng nói cuối cùng nữa”. “Lời cuối cùng là bàn tay của Chúa Giêsu sẽ nâng bạn dậy khỏi tội lỗi.” Chúa Giêsu tha thứ, nâng đỡ, chữa lành và trấn an tâm hồn khi chúng ta đến với Ngài. “Chúng ta chỉ cần đến gần Chúa và Ngài sẽ tha thứ cho chúng ta mọi sự.”

  1. Có cái nhìn như Chúa Kitô

Khi chúng ta loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta có cùng một cái nhìn như Chúa Giêsu, bởi vì Chúa Giêsu đi đến với con người, đến với trái tim, đến với điều chính yếu. Giống như khi Người nhìn Mátthêu, người thu thuế. Người ta coi ông là kẻ cộng tác, kẻ phản bội dân tộc. Giờ đây, trong mắt Chúa Giêsu, Mátthêu là một con người với những đau khổ và sự cao cả của mình. Ngài thực sự nhìn mỗi người với lòng thương xót và ưu ái. Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Cái nhìn này của Chúa Giêsu – rất đẹp, nhìn người khác như người nhận được tình yêu, dù họ là ai  – là khúc dạo đầu cho niềm say mê loan báo Tin Mừng.”

  1. Thường xuyên đến với Chúa

Việc loan báo Tin Mừng bắt đầu bằng cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa. Đức Thánh Cha nhắc nhớ : loan báo Tin Mừng có nghĩa là có thể chiếu tỏa Chúa Kitô, nhưng “nếu chúng ta không nhận được ánh sáng của Người, chúng ta sẽ bị dập tắt. Nếu chúng ta không thường xuyên đến với Người, chúng ta sẽ mang chính mình thay vì Người và điều đó sẽ hoàn toàn vô ích”. Chính Chúa Kitô đã lánh riêng ra trong đêm, để cầu nguyện với Chúa Cha. “Chúng ta có thể tự hỏi: chúng ta có noi gương Người bằng cách uống nước từ suối cầu nguyện, để tâm hồn chúng ta hòa hợp với Người không? Chính Chúa Giêsu đã nói rõ ràng với các môn đệ của mình: “Không có Thầy các con không thể làm gì được””.

  1. Thông truyền Tin Mừng mà chúng ta đã nhận được

Thánh Phaolô đã viết cho giáo đoàn Galata : “Nếu chính chúng tôi, hoặc nếu thiên sứ từ trời truyền cho anh em một Tin Mừng khác với Tin Mừng chúng tôi đã rao giảng cho anh em, thì người ấy đáng bị nguyền rủa!” (Gl 1, 8). Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “cám dỗ tiến hành “một mình” luôn hiện hữu, đặc biệt khi con đường trở nên bế tắc”. Ngài giải thích rằng chính cơn cám dỗ này “đi theo những con đường giả Giáo hội dễ dàng hơn, chấp nhận lôgic thế gian, trông cậy vào sức mạnh của các ý tưởng, chương trình, cơ cấu của chúng ta”. Để tránh điều này, mọi Kitô hữu đều được mời gọi cầu xin Chúa Thánh Thần để có thể công bố sự thật về Chúa Giêsu Kitô và tính xác thực của Lời Người.

  1. Không được chiêu dụ tín đồ

Loan báo Tin Mừng không giống như chiêu dụ tín đồ, hay tìm cách thuyết phục người khác. Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở: “Chúng ta không loan báo một đảng phái chính trị, cũng không một hệ tư tưởng, không: chúng ta loan báo Chúa Giêsu”. Truyền giáo có nghĩa là đưa “Chúa Giêsu tiếp xúc với mọi người, không thuyết phục họ, nhưng để Chúa thuyết phục”. Như người tiền nhiệm của ngài là Đức Bênêđíctô XVI cũng đã dạy, “Giáo hội không chiêu dụ tín đồ. Đúng hơn, Giáo hội phát triển thông qua “sự thu hút””.

  1. Làm chứng cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu

Theo Đức Thánh Cha Phanxicô, việc loan báo Tin Mừng trước hết phải là chứng tá cho cuộc gặp gỡ cá nhân với Chúa Giêsu Kitô. Đó thực sự là một chứng từ không thể thiếu bởi vì thế giới cần “những người loan báo Tin Mừng nói với thế giới về một Thiên Chúa mà họ biết và quen thuộc với họ”. Như Đức Giáo hoàng Phaolô VI đã nói, “người đương thời sẵn sàng lắng nghe các chứng nhân hơn là các thầy dạy, […] hoặc nếu họ nghe các thầy dạy, đó là vì các thầy dạy này là những chứng nhân”. Để việc loan báo Tin Mừng có kết quả và hữu hiệu, chứng tá cá nhân là điều kiện thiết yếu.

  1. Trở thành một Kitô hữu vui tươi

Chúa Giêsu tuyên bố: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi […] Ngài đã sai tôi mang Tin Mừng cho người nghèo khó” (Lc 4, 18). Vì Tin Mừng là lời loan báo về niềm vui và hạnh phúc. Như Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta không thể nói về Chúa Giêsu mà không có niềm vui, bởi vì đức tin là một câu chuyện tình yêu tuyệt vời để chia sẻ”. Không có niềm vui, việc loan báo Tin Mừng là vô ích. Đức Thánh Cha nói: nhưng làm chứng cho Chúa Giêsu, với niềm vui, thực hiện những hành động nhân danh Người, với niềm vui, là để chứng tỏ rằng “chúng ta đã nhận được một món quà quá đẹp đến nỗi không lời nào có thể diễn tả được”.

  1. Để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn

Nhân vật chính thực sự của việc loan báo Tin Mừng là Chúa Thánh Thần. Đức Thánh Cha nói: không có Chúa Thánh Thần, chúng ta không thể loan báo Tin Mừng, “chúng ta chỉ có thể quảng cáo cho Giáo hội”. Do đó, ngài mời gọi các Kitô hữu hãy để mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn và tin tưởng vào hành động của Người, ngay cả khi Người thúc đẩy chúng ta vượt qua những rào cản, giới hạn và biên giới của mình. Đức Thánh Cha nhắc lại : nếu Giáo hội không cầu nguyện với Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ “tự quay lưng lại” và “ngọn lửa truyền giáo sẽ vụt tắt”. “Đây là lý do tại sao thánh Phaolô Tông đồ khuyên điều này: “Đừng dập tắt Thánh Thần” (1 Th 5, 19) […] chúng ta hãy cầu khẩn Người, cầu xin Người mỗi ngày thắp lên ánh sáng của Người trong chúng ta.”

  1. Bắt chước các thánh truyền giáo

Để tái khám phá niềm say mê loan báo Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu khám phá và để mình được truyền cảm hứng từ nhiều vị thánh truyền giáo. Thánh Têrêsa thành Lisieux, thánh Phanxicô Xaviê, thánh Josephine Bakhita… và rất nhiều người khác đã loan báo Tin Mừng ở đất nước của họ và khắp bốn phương trên thế giới. Như Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích, chúng ta hãy đến gần những nguồn sống động và những chứng nhân này, “những người đã làm sống lại niềm say mê Tin Mừng trong Giáo hội, để các ngài có thể giúp chúng ta nhen nhóm lại ngọn lửa mà Chúa Thánh Thần luôn muốn đốt cháy trong chúng ta”.

Tý Linh
Chuyển ngữ từ: fr.aleteia.org (19.10.2023)
Nguồn: xuanbichvietnam.net (20.10.2023)

 

ĐỨC THÁNH CHA BAN HÀNH TÔNG HUẤN "LAUDATE DEUM", KÊU GỌI ỨNG PHÓ VỚI CUỘC KHỦNG HOẢNG KHÍ HẬU

Vatican News

Vatican News (04.10.2023) – Ngày 04.10.2023, Đức Thánh Cha đã ban hành tông huấn “Laudate Deum” - Hãy ngợi khen Chúa. Trong tài liệu mới Đức Thánh Cha nói rằng trách nhiệm của con người trong sự nóng lên toàn cầu là không thể chối cãi. Ngài đưa ra lời kêu gọi đồng trách nhiệm trước tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu vì thế giới “đang sụp đổ và có lẽ đang tiến đến điểm đổ vỡ”.

Tông huấn “Laudate Deum” gồm 6 chương với 73 đoạn, cụ thể và hoàn thành những điều Đức Thánh Cha đã nói trong thông điệp “Laudato Si'” được ban hành vào năm 2015.

Dấu hiệu biến đổi khí hậu ngày càng rõ ràng

Trong chương đầu tiên, Đức Thánh Cha giải thích rằng, cho dù chúng ta có cố gắng phủ nhận đến đâu, “những dấu hiệu của biến đổi khí hậu vẫn có đó, ngày càng rõ ràng hơn”. Ngài trưng dẫn “những hiện tượng cực đoan, thường xuyên có những đợt nắng nóng bất thường, hạn hán và những đau thương khác của trái đất”. Theo ngài: “Có thể kiểm chứng được rằng một số biến đổi khí hậu do con người gây ra làm tăng đáng kể khả năng xảy ra các hiện tượng cực đoan thường xuyên hơn và dữ dội hơn”.

Đó không phải là lỗi của người nghèo

Đối với những người đổ lỗi cho người nghèo vì có quá nhiều con cái, Đức Thánh Cha nhắc nhở rằng “một tỷ lệ nhỏ dân số thế giới giàu gây ô nhiễm nhiều hơn số dân nghèo đến 50%. Châu Phi, nơi có hơn một nửa số người nghèo nhất thế giới, chỉ chịu trách nhiệm về một phần nhỏ lượng khí thải lịch sử” (9). Sau đó, Đức Thánh Cha phản đối những người nói rằng việc giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ dẫn đến “giảm việc làm”. Trên thực tế, “hàng triệu người mất việc” do biến đổi khí hậu. Trong khi quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo được “quản lý tốt” có khả năng tạo ra vô số việc làm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây là lý do tại sao “các chính trị gia và doanh nhân cần phải giải quyết ngay lập tức” (10).

Con người gây nên biến đổi khí hậu là điều không thể nghi ngờ

Đức Phanxicô khẳng định: “Con người là nguồn gốc của biến đổi khí hậu là điều không còn có thể nghi ngờ nữa." Ngài nói đến nồng độ khí nhà kính trong khí quyển... trong 50 năm qua gia tăng mạnh mẽ (11). Nhiệt độ “đã tăng với tốc độ chưa từng thấy trong hai ngàn năm qua” (12). Hậu quả là sự axit hóa biển và các lớp băng tan. Sự cộng hưởng của các hiện tượng cực đoan và sự gia tăng khí nhà kính là điều không thể che dấu. Thật không may, Đức Thánh Cha nhận xét, cuộc khủng hoảng khí hậu không phải là vấn đề “được quan tâm bởi các cường quốc kinh tế. Họ vốn quan tâm đến việc đạt được lợi nhuận tối đa với chi phí thấp nhất và trong thời gian ngắn nhất có thể” (13).

Chúng ta vừa kịp lúc để tránh gây thiệt hại nặng nề hơn

Đức Thánh Cha nói rằng ngài đưa ra những giải thích rõ ràng này do một số ý kiến khinh thường và vô lý mà ngài thấy ngay cả trong Giáo hội Công giáo. Nhưng chúng ta không còn có thể nghi ngờ rằng “những phát triển to lớn liên quan đến sự can thiệp không kiểm soát của con người vào thiên nhiên” (14). Thật không may, một số biểu hiện của cuộc khủng hoảng khí hậu này đã không thể đảo ngược được trong ít nhất hàng trăm năm. Một tầm nhìn rộng hơn là rất cần thiết... Chúng ta cần có trách nhiệm nhất định đối với di sản mà chúng ta sẽ để lại sau khi bước vào thế giới này (18).

Mô hình kỹ trị: ý tưởng về một con người không giới hạn

Trong chương hai, Đức Thánh Cha nói về mô hình kỹ trị “bao gồm việc suy nghĩ như thể thực tại, sự tốt lành và sự thật nở rộ một cách tự phát từ sức mạnh của công nghệ và chính nền kinh tế” (20) dựa trên ý tưởng về một con người có thể làm được mọi thứ. Ngài nói: “Chưa bao giờ loài người có nhiều quyền lực như vậy và không có gì đảm bảo rằng họ sẽ sử dụng nó tốt... Thật nguy hiểm khi nó nằm trong tay một phần nhỏ của nhân loại” (23). Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “thế giới xung quanh chúng ta không phải là một đối tượng của sự bóc lột, sử dụng không kiềm chế, tham vọng không giới hạn” (25).

Sự suy thoái đạo đức của quyền lực: tiếp thị và thông tin sai lệch

Đức Thánh Cha nói rằng chúng ta đã đạt được “tiến bộ công nghệ ấn tượng và đáng ngạc nhiên, nhưng chúng ta không nhận ra rằng đồng thời chúng ta đã trở nên hết sức nguy hiểm, có khả năng gây nguy hiểm cho sự sống của nhiều sinh vật và sự sống còn của chính chúng ta” (28). "Sự suy đồi về mặt đạo đức của quyền lực thực sự được che đậy bởi hoạt động tiếp thị và thông tin sai lệch, những cơ chế hữu ích nằm trong tay những người có nhiều nguồn lực hơn để tác động đến dư luận thông qua chúng". “Bị mê hoặc trước những lời hứa hẹn của biết bao tiên tri giả, chính người nghèo đôi khi rơi vào sự lừa dối của một thế giới không được xây dựng cho họ” (31). Có “sự thống trị của những người sinh ra có điều kiện phát triển tốt hơn” (32).

Chính sách quốc tế yếu kém

Đức Thánh Cha cũng đề cập đến sự yếu kém của chính sách của quốc tế, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải ủng hộ “các thỏa thuận đa phương giữa các quốc gia” (34). Ngài kêu gọi “sự tổ chức toàn cầu hiệu quả hơn, có thẩm quyền để đảm bảo lợi ích chung toàn cầu”. Các tổ chức này “phải được trao quyền thực sự để đảm bảo thực hiện một số mục tiêu thiết yếu” (35). Thách đố ngày nay là tái tạo một chủ nghĩa đa phương mới “trong bối cảnh toàn cầu mới” (37), thừa nhận rằng nhiều tập hợp và tổ chức xã hội dân sự giúp bù đắp những điểm yếu của cộng đồng quốc tế.

Các tổ chức bảo vệ những người mạnh nhất là những tổ chức vô dụng

Đức Phanxicô đề xuất “một chủ nghĩa đa phương “từ dưới lên” chứ không chỉ đơn giản được quyết định bởi giới tinh hoa quyền lực” (38). Ngài nhắc lại rằng “cần có một khuôn khổ khác để hợp tác hiệu quả”, để “phản ứng với các cơ chế toàn cầu” bằng “các quy tắc phổ quát và hiệu quả” (42). Vì vậy, chúng ta cần "một kiểu 'dân chủ hóa' hơn trong phạm vi toàn cầu... Sẽ không còn hữu ích nếu hỗ trợ các tổ chức bảo vệ quyền của kẻ mạnh nhất mà không giải quyết quyền của tất cả mọi người”. (43)

Bạn mong đợi gì từ Dubai COP?

Nhìn vào COP28 (Hội nghị của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu) sẽ diễn ra tại Dubai vào tháng 11, Đức Thánh Cha viết: “Chúng ta không thể từ bỏ giấc mơ rằng COP28 sẽ dẫn đến sự tăng tốc mang tính quyết định trong quá trình chuyển đổi năng lượng, với những cam kết hiệu quả có thể được theo dõi vĩnh viễn. Hội nghị này có thể là một bước ngoặt” (54). Ngài than phiền rằng thật không may, “quá trình chuyển đổi cần thiết sang năng lượng sạch… diễn ra không đủ nhanh” (55).

Hãy ngừng chế giễu vấn đề môi trường

Đức Phanxicô kêu gọi chấm dứt “sự nhạo báng vô trách nhiệm” của những người chế giễu vấn đề môi trường vì lợi ích kinh tế: thay vào đó, xem nó là “một vấn đề con người và xã hội theo nghĩa rộng và ở nhiều cấp độ khác nhau. Việc này cần sự tham gia của mọi người." Đức Thánh Cha hy vọng rằng “các hình thức chuyển đổi năng lượng ràng buộc” sẽ xuất hiện từ COP28 một cách hiệu quả và “dễ dàng giám sát” (59). "Chúng tôi hy vọng rằng những người phát biểu là những nhà chiến lược có khả năng suy nghĩ về lợi ích chung và tương lai của con cái họ, thay vì lợi ích cụ thể của một quốc gia hoặc công ty nào đó. Mong sao họ thể hiện được sự cao quý của chính trị chứ không phải sự xấu hổ của nó" (60).

Một dấn thân phát sinh từ đức tin Kitô giáo

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại những lý do cho sự dấn thân vì môi trường xuất phát từ đức tin Kitô giáo, khuyến khích “anh chị em các tôn giáo khác hãy làm như vậy” (61). Ngài nói: “Đây không phải là sản phẩm của ý muốn riêng của chúng ta… bởi vì Thiên Chúa đã liên kết chúng ta rất chặt chẽ với thế giới xung quanh” (68). Điều quan trọng, Đức Thánh Cha viết, là phải nhớ rằng “không có những thay đổi lâu dài nếu không có những thay đổi về văn hóa… và không có những thay đổi văn hóa nào mà không có những thay đổi về con người” (70). “Nỗ lực của các gia đình nhằm giảm ô nhiễm, giảm lãng phí và tiêu dùng khôn ngoan đang tạo ra một nền văn hóa mới” (71).

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng “một sự thay đổi rộng rãi cho lối sống vô trách nhiệm gắn liền với mô hình phương Tây sẽ có tác động lâu dài đáng kể. Như vậy, với những quyết định chính trị tất yếu, chúng ta sẽ đi trên con đường quan tâm lẫn nhau” (72). (CSR_3888_2023)

Nguồn: vaticannews.va/vi

https://hdgmvietnam.com/chi-tiet/duc-thanh-cha-ban-hanh-tong-huan-laudate-deum-keu-goi-ung-pho-voi-cuoc-khung-hoang-khi-hau-52747

BTT