Chuyến đi thực tế tại Giáo xứ Rạch Vọp của chị em chúng tôi là sự sắp xếp đặc biệt của Chúa qua hai người. Đầu tiên là sự thao thức của sơ giáo tập về bộ môn truyền giáo, kế đến là lời đề nghị “đến mà xem” của cha là động lực thúc tiến mạnh mẽ cho lần vừa hành vừa học này.

Khi chúng tôi đến nơi, Cha và cộng tác viên chuẩn bị sẵn sàng từ rất sớm: người đến dự và người được rước họ sẵn sàng, tự nguyện đi. Mỗi người mỗi cảnh, họ gắn kết và để ý nhau xem rước ở đâu, bao nhiêu người, chỗ ngồi thế nào, giúp nhau lên, xuống tàu, có người đến điểm rước bằng xe lăn,xe đạp,đi bộ, họ không ngại khó, không kêu than mệt mỏi khó chịu. Khi tới nơi, họ biết đâu là vị trí của mình cần đến. Họ nhận phiếu tên,lớp,địa chỉ, người thì đăng ký nhận thuốc, người thì ngồi nghỉ, người thì đi tìm chỗ trong nhà nguyện. Họ tham dự thánh lễ cách sốt sắng, nghiêm trang, cùng tham gia có trách nhiệm trong phụng vụ, thưa đáp cách trang nghiêm. Đặc biệt, trong thánh lễ cha cho họ tham gia phụng vụ, hướng dẫn mỗi khi cần, trong các lời kinh có chỉnh sửa và ghi chú cho phù hợp với người đọc, bài giảng thật gần và để lại ấn tượng sâu, những lời dạy trước,trong,sau thánh lễ toát lên đặc tính của người mục tử. Sau giờ lễ, họ nhận phần ăn sáng rồi vô học giáo lý (có chín lớp) theo từng lớp, những ai đã đăng ký lấy thuốc sẽ được nhận thuốc sau giờ học tại lớp. Cuối cùng, họ ra nhận gạo theo số phiếu (cách có văn hóa, tế nhị, trật tự và hài lòng) với lời cảm ơn rồi xuống tàu đi về. Tới 12 giờ 5 phút mà tôi còn thấy vài người phải ngồi đợi xe đưa về, tôi vừa thương vừa suy nghĩ về họ. Do đâu mà họ chịu vất vả đến thế, có phải vì tiền,vì gạo, vì danh dự, vì lời hứa hay vì tình yêu, vì hạnh phúc, vì chân lý, vì đức tin…???

 Tại gian hàng “Quần Áo 0 Đồng” tôi thấy dòng chữ “Ai có đến cho. Ai cần đến nhận (ở giữa). Chỉ nhận vừa đúng nhu cầu (bên trái) và Cho thì có phúc hơn nhận. Hãy cho theo lòng quảng đại (bên phải)”

Trong khi tiếp chuyện và hướng dẫn chị em chúng tôi, cha đã chia sẻ và để lại trong tôi những kiến thức mới về mục vụ truyền giáo. Tôi xin ghi lại đây vài điểm cụ thể mà cha đã nhấn mạnh : quan niệm về tín hữu vô danh,ẩn danh và đâu là người Chúa muốn,đâu là người được Chúa cứu, hình thức bác ái xã hội và bác ái truyền giáo mà nhiều người hay lẫn lộn, hãy hành động và tin vào Chúa đừng lo không có khả năng, theo gương Chúa mà hoạt động (Phúc Âm ghi lại xưa Chúa đã chữa bệnh, dạy, cho dân chúng ăn, cầu nguyện), càng tham gia hoạt động thì càng nhiệt tình yêu thích, cho nghe nhạc cùng một chủ đề hai ngày Thứ bảy và Chúa nhật để đi vào tiềm thức của người nghe, kiến trúc mái nhà hình cong (theo văn hóa Á Đông, thuận lợi về thời tiết : mưa nghe tiếng thanh,ít ảnh hưởng của nhiệt,hướng gió không làm tốc mái, thẩm mỹ thì đẹp và tạo cảm giác gần gũi), người dân cần mình đến với họ bằng tình thương để yêu thương họ hơn là ngăm đe,loại trừ. Người lương dân là tông đồ, sửa dạy từng chút và kiên nhẫn trong giáo dục, đừng thao thức mà hãy hành động, đừng đặt vấn đề số lượng lãnh bí tích nhưng chú trọng xem họ biết và sống đạo thế nào…

Tôi xin mượn câu chuyện thoáng qua nghe được khi vừa về tới bến nhà thờ : “Nay đi ít hơn, có số người nghỉ, chắc họ bệnh rồi cha”, “Vậy hả, chắc phải thăm họ”, “Dạ”… Cánh đồng truyền giáo còn bao la, còn đó bao người cần đến những thợ gặt lành nghề. Xin Chúa sai thêm thợ gặt, ban thêm trợ lực cho những người thợ của Chúa và gìn giữ từng hạt giống Chúa đã gieo.

Tôi không biết nói gì hơn là tạ ơn Chúa về chuyến đi, cảm ơn cha đã cho tôi thấy được một phần hoạt động truyền giáo cha đã làm. Ước mong chúng tôi có được lòng nhiệt thành mà Chúa muốn, để góp sức trong cánh đồng của Chúa và dấn thân hết mình vì phần rỗi các linh hồn.

Lạy Chúa, nếu đẹp ý Chúa xin Chúa cứ thực hiện.

 

Marie - Noelle Trương Ngọc Thanh

Tập Sinh năm II

“Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Đó là lệnh truyền của Chúa Giêsu trước khi Ngài về Trời. Quả thật, “truyền giáo là bản chất của Giáo Hội”, mỗi người được Chúa mời gọi cách khác nhau, có những cách truyền giáo khác nhau và mang lại những hiệu quả khác nhau. Qua việc đến, xem và học hỏi thực tế tại giáo điểm truyền giáo ở Rạch Vọp, con được đánh động và học hỏi được nhiều điều về công tác truyền giáo.

 

“Những chiến sĩ Loan báo Tin Mừng mang trong mình đức tin bé nhỏ đặt vào tình yêu của một vị Thiên Chúa lớn lao.”

Khi trở thành Kitô hữu, mỗi người được tham gia vào chức vụ Tư Tế, Ngôn Sứ và Vương Đế của Chúa Kitô, cùng với nhau làm cho Nước Chúa trị đến và lan rộng trong lòng trần thế. Tuy vậy, mỗi một người lại có cách thức thực hiện rất riêng tùy theo bậc sống của mình.

 

Bản chất của Giáo hội là truyền giáo. Đó là điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô tái khẳng định trong những bài huấn giáo của ngài thời gian gần đây.

Với tinh thần đó, Chúa nhật lễ Chúa Hiển Dung ngày 06/08 vừa qua, các em Tập Sinh Tỉnh dòng Cần Thơ đã có chuyến đi thực tế tại giáo điểm truyền giáo Rạch Vọp. Mục đích là để khám phá “mô hình truyền giáo” đang được áp dụng của cha chánh xứ Gioan Baotixita Trương Thành Công.

 

 

Mô hình truyền giáo tổng quát tại giáo xứ :

Mỗi chúa nhật

  • 5h : Đón rước bà con lương dân (đường bộ và đường thủy)
  • 7h : Điểm tâm
  • 7h 30 : Thánh lễ (do những người lương dân chuẩn bị mọi việc)
  • 10h : Giáo lý cho mọi lứa tuổi và mọi thành phần.
  • 11h : Phát quà ra về

Riêng những cộng tác viên với cha Gioan Baotixita sẽ có 15 phút cầu nguyện chung trước khi dùng cơm trưa. Đó là một phương thức để Loan báo Tin Mừng của giáo xứ.

Bà con đến tìm Chúa trong niềm vui và lòng khao khát được biết Chúa, thêm nhiệt huyết và động lực cho cha và các cộng tác viên tiếp tục dấn thân phục vụ. Và cũng qua đó, ta thấy được việc làm của Chúa Thánh Thần. Ước chi, hình ảnh của Chúa Giêsu càng được nhiều người biết đến qua chính cuộc sống chứng tá của các Tông Đồ nhiệt thành trong thời đại hôm nay. 

Tạ ơn Chúa vì công trình Chúa đã thực hiện qua trung gian của cha Gioan Baotixita. Nhờ đó Tin Mừng được lan tỏa đến muôn người, không có bất kỳ sự phân biệt nào.

 

Tham dự Thánh Lễ

Phát quà

Cám ơn

Tập sinh Cần Thơ

Từ ngày 28/6 đến ngày 6/7 năm 2023, Tỉnh Dòng Cù Lao Giêng tổ chức khóa tĩnh tâm dành cho các em nhà tập. Khóa tĩnh tâm gồm có 24 chị em tham dự, trong đó có 3 em tập sinh Tỉnh Dòng Cần Thơ và 5 em thỉnh sinh dưới sự hướng dẫn và đồng hành của Cha Martinô Nguyễn Đình Khải, Dòng Tên.

Đây là khoảng thời gian quan trọng với các em trong giai đoạn đào tạo. Sau gần một năm ở nhà tập theo giáo luật và sau những tháng ngày các em được thực tập đời tu tông đồ tại các cộng đoàn, các em có những khoảng lặng để trở về bên Chúa, dành trọn thời gian cầu nguyện và gặp gỡ Chúa để “ phân định và đào sâu tiếng Chúa gọi” ( LS.1.153), tìm kiếm thánh ý Chúa trên cuộc đời các em, cũng như để khám phá chính mình cách sâu sắc hơn dưới ánh sáng của Lời Chúa.

Với chủ đề "Theo Chúa trong tin yêu và phó thác", giúp cho các em bước đi vững vàng hơn, biết lấy lòng mến làm động cơ, lấy ơn Chúa làm nguyên tắc, lấy ý Chúa là thước đo, lấy đức khôn ngoan làm chỉ đạo, lấy thiên đàng làm phần thưởng (Cha A Thánh Gioan Martino Moye). Để các em vững tin và phó thác hơn trong ơn gọi dâng hiến. Đây cũng là khoảng thời gian để các em các Tỉnh Dòng gắn kết hơn qua những giờ kinh phụng vụ và Chầu Thánh Thể chung với nhau mỗi tối.

Ước mong những hoa trái thiêng liêng mà các em đã lãnh nhận được từ nguồn ân sủng của Chúa Thánh Thần giúp các em can đảm và quảng đại đáp lại lời mời gọi của Chúa, dấn thân cách nhiệt thành trong ơn gọi nữ tu Chúa Quan Phòng theo tinh thần của Cha Gioan Martino Moye và các chị nữ tu đầu tiên.

 

BTT.TD.Cù Lao Giêng