I. Giai đoạn đầu (1876-1926)
1. Cái nôi Cù Lao Giêng
Ngày 07.12.1875 có sáu nữ tu người Pháp lên tàu Anadyr của hải quân Pháp để đi truyền giáo ở Mãn Châu (Trung Quốc).
Và ngày 12.01.1876 đúng 1 giờ sáng, sáu chị khác đã đặt chân đến Cù Lao Giêng (Việt Nam). Các chị được địa phận chuẩn bị cho một chỗ ở giản dị là một căn nhà sàn, cột gỗ. Trong tâm tình tạ ơn Chúa, các chị đã vui vẻ đón nhận tất cả. Việc trước tiên các chị làm là học tiếng Việt để có thể gặp gỡ người dân. Cha Grosgeorges phụ trách dạy cho các chị.
Người dân địa phương dần dần biết các chị nên họ đem trẻ mồ côi đến cho các chị nuôi. Và ấu nhi viện được ra đời trong khoảng thời gian ngắn sau khi các chị tới. Sau đó thì phát triển thành cô nhi viện. Có nhà dành cho trẻ em sơ sinh, cho các bé lớn, và có khu cho cô nhi lớn. Các chị thành lập trường sơ cấp để dạy cho các em học văn hóa. Ngoài ra, còn có các khu dạy nghề cho các em cô nhi lớn. Các em được các chị yêu thương chăm sóc, dạy dỗ về văn hóa, nhân cách và đức tin. Khi các em khôn lớn, thì các chị cũng lo tương lai, tìm người tốt cho các em lập gia đình. Nói về cô nhi viện thì trong tuần lễ đầu các chị mới đến đã nhận được 14 em, năm đầu tiên là 42 em, năm sau là 78 em, số các em tăng dần lên. Đến năm 1925 có tới 833 em.
Mặt khác, các bệnh nhân đủ loại cũng tìm tới xin các chị chăm sóc, xin thuốc uống và đôi khi xin tá túc. Và thế là nhà Cứu Tế được hình thành do chị Eusèbe LAMOTTE phụ trách. Từ từ do nhu cầu của người dân ngày càng nhiều, mà lúc đó Việt Nam không có bệnh viện cho người dân, các chị mong muốn thành lập một bệnh viện cho người dân có nơi điều trị bệnh. Bước đầu rất khiêm tốn, chỉ có ngôi nhà nhỏ do cha Grosgeorges làm phép ngày 13.06.1879. Nhưng vì nhu cầu người dân ngày càng nhiều, ngôi nhà này không đủ để phục vụ. Năm 1887, hai dãy nhà gạch được xây dựng làm bệnh viện. Đến năm 1904 thì hai ngôi nhà này được xây thành nhà có lầu. Bệnh viện không những phục vụ cho người dân mà cơ quan hành chính cũng gửi lính tráng, tù nhân mắc bệnh đến đây. Năm 1925 có 1.835 bệnh nhân trong bệnh viện này.
Nối tiếp với những công việc bác ái, chẩn y viện ra đời nhằm phục vụ cho những người bệnh nhẹ cần xin thuốc, băng bó, hay nhổ răng, hoặc chăm sóc nhẹ…tất cả đều miễn phí. Rồi nhà bảo sanh cũng được xây dựng để giúp cho những người phụ nữ có nơi chốn sinh nở. Nhờ sự hỗ trợ của một vị linh mục mà nhà bảo sanh được hình thành với quy mô lớn, phục vụ được rất nhiều trường hợp, tính đến năm 1925 thì đã có 583 ca. Nhà bảo sanh này cũng giúp tích cực cho việc truyền bá đức tin. Rất nhiều sản phụ lương giáo đã có tình cảm và đã theo đạo công giáo ; hoặc trước khi chết, rất nhiều trẻ em cũng được rửa tội tại đây.
Chính cách sống giản dị, hết lòng vì người dân của sáu chị nữ tu người Pháp này đã thu hút nhiều thiếu nữ bản xứ xin gia nhập Dòng. Năm 1879, chỉ sau ba năm đến Cù Lao Giêng, đã có khoảng 10 thiếu nữ đến. Ngày 24.05.1880 tập viện được thành lập tại Cù Lao Gien. Sáu em trong số các thỉnh sinh đầu tiên được nhận vào tập viện. Người nữ tu Việt Nam đầu tiên là chị VÕ THỊ GIÊNG (Soeur Phanxica 1860-1947) quê quán Cù Lao Tây, sau tám ngày các chị Pháp tới thì chị đã xin theo. Chị thứ hai là chị TRẦN THỊ QUẬN (Soeur Joanna 1856-1923), quê quán Nam Vang, chị xin gia nhập vào Dòng sau tám tháng từ khi các chị Pháp tới. Chị thứ ba là chị NGUYỄN THỊ LỤC (Soeur Marie-Joseph 1859-1896), chị là người ngoại đạo nhưng bị cha mẹ bán cho người công giáo. Đó là ba chị nữ tu tiên khởi của Việt Nam, sử sách không ghi rõ đời sống của các chị, tuy nhiên chúng ta tin chắc rằng các chị là những nữ tu có tâm hồn đạo đức sâu xa, vượt qua những khó khăn thử thách để trở thành viên đá đầu tiên cho Dòng Chúa Quan Phòng tại Việt Nam được bền vững và phát triển đến hôm nay.
Từ ba hạt giống đầu tiên ấy do công sức của sáu chị nữ tu Pháp chăm sóc, vun trồng đã phát triển và sinh hoa kết trái ngày càng nhiều vào những năm tiếp theo. Trong giai đoạn từ 1880-1926 có tất cả 333 nữ tu Việt Nam.
Số nữ tu ngày càng tăng, các chị lớn tuổi, bệnh tật cũng tăng dần, vì vậy nhu cầu nhà hưu dưỡng cho các chị là cần thiết. Nhà Gioan được xây dựng với chiều dài 23m, rộng 11m gồm 2 lầu. Các chị được chăm sóc chu đáo, và dọn mình chết lành tại đây.
Trong khuôn viên tu viện, một mảnh đất khá rộng được dành làm Đất Thánh nơi an nghỉ cuối cùng của các chị nữ tu. Tính đến 1992 đã có 427 nữ tu an nghỉ tại Đất Thánh này.
2. Vươn mình ra xa
- Châu Đốc
Giáo Hội có mặt ở Châu Đốc năm 1871 và cha sở cất một ngôi nhà cho các nữ tu tại đây. Tháng 8.1876 chị Isabelle có đến thăm nhà này, và ngày 6.12.1876 chị Elisa BEAUSÉE và chị Sylvère MISS được phái đến đây. Tại đây các chị mở cô nhi viện dành cho các trẻ nam. Chỉ trong ba tuần đầu, hai chị đã nhận được 14 em, sau một năm là 235 em. Cũng như cô nhi viện nữ ở Cù Lao Giêng, ở đây các trẻ nam cũng được chăm sóc cả về tinh thần lẫn vật chất, được học văn hóa, học nghề, các em lớn được gửi đi làm việc ở một số nơi trong địa phận. Lúc đó tại cộng đoàn này có 2 nữ tu Pháp và 10 nữ tu Việt Nam phục vụ.
- Sa-Đéc
Ngày 11.07.1878 chị Elisa BEAUZEE và chị Josephine COLIN được sai đến làm việc tại Sa Đéc trong ngôi nhà do giáo phận cấp cho. Tại đó, các chị cũng đón nhận trẻ em cô nhi. Nhà cô nhi có số trẻ tăng dần theo thời gian : năm 1882 có 187 em, năm 1900 có 361 em, và năm 1925 có tất cả 475 em.
Các chị cũng chăm sóc người bệnh, nhưng không có đủ chỗ cho họ. Đến năm 1897, cha JANIN bề trên địa phận đã vận động được một số tiền để xây cất một bệnh viện cho các nữ tu. Ít lâu sau thì nhà nước cũng xây một bệnh viện, từ đó bệnh viện của các nữ tu chỉ còn là một cứu tế viện.
. Sóc Trăng
Ngày 01.03.1888 các nữ tu Chúa Quan Phòng đã đến phục vụ tại đây, chị Eusèbe LAMOTTE và chị phụ tá Edouard DIETSCHY. Đầu tiên các chị ở trong ngôi nhà bằng tre. Tại đây các chị cũng nhận nuôi các trẻ mồ côi như những nơi khác có sự hiện diện của nữ tu Chúa Quan Phòng. Năm 1925 có tất cả 511 em cô nhi, trong số đó có 86 em nữ.
Ở đây các chị cũng xây dựng bệnh viện để chăm sóc bệnh nhân ; năm 1889 chị Eusèbe cho cất thêm 1 dãy nhà nữa để làm bệnh viện cho nam, dãy cũ dành cho nữ. Năm 1900 chị được Chúa gọi về với Ngài.
Tiếp nối là chị Félicienne POIROT, chị rất hăng hái cho công trình này. Tuy nhiên, tháng 11 năm 1904, một cơn bão đi qua Sóc Trăng, làm ngôi nhà của nữ tu bị sập, đồ đạc hư hết. Vì thế mà các chị phải xây dựng lại nhà, chị đã mua lại một lò gạch và tự làm gạch xây nhà. Chị cho xây thêm một dãy nhà nữa nối liền với dãy nhà thứ nhất để cho các em cô nhi ở.
Sau đó thì bệnh viện được mở rộng hơn, có khu dành riêng cho nam. Nhà bảo sanh và nhà thuốc ngăn cách hai khu vực nam và nữ. Sau đó các chị xây thêm dãy nhà dành cho những người bệnh bất trị và những người già cả. Tính đến năm 1925 có tới 4.895 bệnh nhân. Nhà bảo sanh đã có 457 ca.
Ngoài ra, các chị cũng có khu ký túc xá dành cho các em gái được gửi vào đây ở trọ để đi học, không phân biệt tôn giáo hay quốc tịch. Các em được học giáo lý và học cách cầu nguyện chung. Tháng 8 năm 1925 ký túc xá có 101 em.
Cũng tính đến năm 1925 thì có 116 người được rửa tội nhờ sự chăm sóc của các nữ tu.
- Phục vụ trong các bệnh viện của nhà nước
Tại Việt Nam, các chị đã được mời phục vụ trong 5 bệnh viện sau :
- Bệnh viện Tỉnh Châu Đốc : 01.01.1902 có sáu chị (2 Pháp và 4 Việt Nam) được sai đi phục vụ trong bệnh viện này theo lời xin của Quan Tỉnh Trưởng.
- Bệnh viện Tỉnh Cần Thơ : Ngày 24.05.1907 hai chị Pháp cùng một số chị Việt Nam đến nhận việc nơi đây. Lòng đạo đức, sự nhiệt tình của các chị làm cho các bệnh nhân rất quý mến. Số bệnh nhân đến ngày càng tăng.
- Bệnh viện Tỉnh Bạc Liêu : Ngày 30.12. 1909, có hai nữ tu Pháp và sáu nữ tu VietNam được sai tới làm việc tại đây.
- Bệnh viện Tỉnh Long Xuyên : Cùng ngày 30.12.1909, hai chị Pháp và năm chị Việt Nam cũng được sai đến bệnh viện Tỉnh Long Xuyên.
- Bệnh viện Tỉnh Rạch Giá : Ngày 1.08.1921, có hai nữ tu Pháp và ba nữ tu Việt Nam được phái đi làm việc trong bệnh viện.
Tóm tắt:
- Trong thời gian 50 năm đầu (1876 -1926), Nhà-Mẹ Portieux đã cống hiến cho Địa Phận Nam Vang 72 nữ tu. Trong số này chỉ còn sống 39 chị vào năm 1925.
- Các chị thành lập tập viện năm 1880 tại Cù Lao Gien cho các nữ tu Việt Nam, đã đào tạo 333 nữ tu, trong số đó còn sống 295 chị tính đến năm 1925.
- Có tất cả sáu cơ sở lớn của Dòng Chúa Quan Phòng trong địa phận, sáu cô nhi viện, năm bệnh viện, một cứu tế viện, hai nhà bảo sanh và hai ký túc xá.
- Trong 50 năm các chị rửa tội 81.965 trẻ em, và 12.782 người lớn.
- Có tất cả 19 cộng đoàn được thành lập trong thời gian này.
II. Giai đoạn hai (1926-1992)
1. Những năm yên ổn (1926-1945)
Ngày 12.01.1926, Hội Dòng mừng 50 hiện diện tại Việt Nam. Từ sáu hạt giống bé nhỏ đầu tiên, nhờ ơn Chúa đã nảy sinh và đơm bông kết trái.
Nữ tu Việt Nam trở thành Nữ Tu Chúa Quan Phòng chính thức.
Ngày 31.07.1929 HIẾN PHÁP của Hội Dòng được phê chuẩn. Kể từ đây Dòng Chúa Quan Phòng Portieux trực thuộc quyền Giáo Hoàng. Tòa Thánh ra sắc chỉ chi nhánh Dòng tại Việt Nam được sáp nhập vào Dòng chánh tại Pháp. Từ đó các nữ tu Việt Nam được chính thức thừa nhận là nữ tu Chúa Quan Phòng, và Dòng tại Việt Nam được hưởng mọi đặc quyền như Dòng Mẹ.
Lúc bấy giờ Mẹ Rosalie cho các chị Việt Nam được mặc tu phục giống các chị Pháp, mỗi người nhận một quyển sách Luật làm kim chỉ nam cho đời sống. Ngày 06.09.1931 có 45 chị Việt Nam được tuyên khấn vĩnh viễn (đây là lần đầu tiên), và năm sau có 85 chị.
2. Những năm tháng khó khăn
Biến cố 21.11.1945
Cuộc đảo chánh lật đổ đế quốc Pháp ở Đông Dương, năm 1945 Ất Dậu, Nhật nổi lên đánh đuổi Pháp. Cuộc đảo chính chưa tới đâu, thì tháng 8.1945 nước Nhật bị hai trái bom nguyên tử, khiến Nhật đầu hàng vô điều kiện.
Chủng viện và Tu viện trở thành mục tiêu cho họ nhắm tới. Họ lục soát, kiểm tra mọi ngõ ngách, lấy đi tất cả những vật dụng trong tu viện. Rồi sau đó chủng viện bị đốt, một số nhà tu viện cũng bị đốt : nhà chứa củi, xăng, dầu, trấu. Các nữ tu, các em cô nhi, các cha đến tá túc bị đuổi ra khỏi nhà với tay trắng, họ không cho mang theo thứ gì cả.
Ít ngày sau có một chiếc tàu cập bến, các chị Pháp tức tốc được mời xuống tàu và đi ngay. Các chị được đưa đi nhiều nơi, bị canh gác, gặp rất nhiều khó khăn, sợ hãi, nhưng các chị vẫn tin tưởng vào Chúa Quan Phòng. Cuối cùng thì ngày 20.02.1946 các chị được đưa về Nam Vang bình an.
Sau biến cố 1945 tình hình có lắng dịu, nhưng các chị đã gặp rất nhiều đau khổ :
Bàu Sen
Hai nữ tu Pháp : chị Benedictine FOOR và chị Emile METHIEU bị chính sách ‘bày tây’ bắt và đưa đến Bàu Sen (gần Hòa Thành). Các chị bị giết ở đây cùng với một số người khác lúc 10g45 ngày 06.02.1946. Sau 11 năm, hài cốt của hai chị được đưa về Đất Thánh Cù Lao Giêng.
Sài Gòn – Sóc Trăng
Ngày 14.12.1949, trên đường đi từ Sài Gòn về Sóc Trăng, khi đến gần Cần Thơ, một trái mìn làm nổ tung chiếc xe. Có ba chị trên chuyến xe đó, chị Alphée LE PETIT bị mất một bàn chân, chị Michel NGUYỄN THỊ XEM bị miểng vào cột sống, chị Célestine COPPIN chết tại chỗ.
Nam Vang – Sài Gòn
Ngày 15.06.1961, chị Saint Evariste VÕ THỊ MY lái xe đưa 10 chị em từ Nam Vang về Sài Gòn để cấm phòng. Còn khoảng 60 km nữa tới Sài Gòn, có 1 người chạy xe đạp đâm vào xe làm vỡ kiến. Cảnh sát đến lập biên bản, chị Théophile HỒ THỊ ĐỠ (38 tuổi) đứng cạnh cảnh sát để giải thích thì bị một phát súng từ lùm cây bắn chết ngay lập tức, viên đạn đó xuyên qua tay chị Alice-Marie PHAN THỊ NỞ.
Nam Vang -Kep
Ngày 09.01.1963, hai Mẹ Rosalie BONVIN và Glossinte PRABONNE đi kinh lý Campuchia, đang đi thì bánh xe nổ tung. Do thắng gấp, ném cả hai văng ra khỏi xe. Mẹ Rosalie rơi xuống ao gần đó, chị tài xế còn tỉnh xuống đỡ Mẹ lên thì một lúc sau Mẹ chết. Còn Mẹ Glossinte bị gãy xương bả vai trái, rách da đầu được đưa vào bệnh viện điều trị gần hai tháng.
Những an ủi vỗ về:
- Cha J.M.MOYE được phong Á thánh ngày 21.11.1954.
- Đệ Nhị Bách Chu Niên thành lập Dòng Chúa Quan Phòng ngày 14.01.1962.
- Những cuộc kinh lý của các vị đại diện giáo quyền :
- Khâm sứ Tòa Thánh
+ Đức Cha DOOLEY viếng nhà chánh Nam Vang (27.02.1952)
+ Đức cha Mario BRINI viếng nhà chánh Cần Thơ (1965)
+ Đức cha PALMAS viếng nhà chánh Cần Thơ (1965)
- Những vị bề trên Tổng Quyền.
+ Sr Marguerite Marie PAYER (Tổng Quyền thứ 10) : là vị Tổng Quyền tiên khởi sang thăm Việt Nam năm 1938.
+ Sr Honorine LULLIER (Tổng Quyền thứ 11) : sang thăm Việt Nam 3 lần vào năm 1952, 1957, 1960 .
+ Sr Marcelle HINTERLANG (Tổng Quyền thứ 12) : sang thăm Việt Nam gần như mỗi năm trong suốt thời gian 12 năm lãnh trách nhiệm làm Tổng Quyền.
+ Sr Micheline TURON (Tổng Quyền thứ 13) : sang thăm Việt Nam 2 lần. Người cũng là bề trên tiên khởi đến Việt Nam sau khi đất nước thống nhất.
+ Sr Marie Claude FAURE (Tổng Quyền thứ 14) : Trong suốt nhiệm kỳ đầu, người sang thăm Việt Nam mỗi năm.
3. Thời gian ổn định
Sau biến cố 1945, tình hình lắng dịu, các chị từ từ trở lại nhà Dòng tại Nam Vang. Toàn bộ cơ cấu nhà Dòng dời từ Cù Lao Giêng về Nam Vang.
Tu viện Cù Lao Giêng dường như bị bỏ hoang. Đến năm 1945, chị Raymonde HỒ THỊ MẠNG và chị Justine NGUYỄN THỊ NAM và vàì chị em khác tình nguyện trở về để lo tái thiết. Tu viện như khu rừng hoang, cỏ mọc um tùm, đồ đạc mất hết, nhà cửa hư gần 80%.
Công việc trùng tu đòi nhiều thời gian và tốn kém. Các chị bắt tay vào việc sửa chữa với số cây bè từ Nam Vang đưa về.
Các chị làm nhiều việc để sinh sống như : trồng dâu nuôi tầm, dệt tơ, đào đất, đúc gạch và hầm gạch để sửa sang nhà cửa như chúng ta thấy ngày hôm nay tại Cù Lao Giêng, tất cả các việc đó làm bằng thủ công cổ truyền.
Năm 1950, đệ tử viện được bắt đầu lại do hai chị Bernardine TRƯƠNG THỊ TỚI và chị Désirée NGUYỄN THỊ TỐT đảm nhiệm. Lúc đó có 14 em đệ tử.
Các cộng đoàn ngoài tu viện thì hầu hết sinh hoạt lại bình thường. Tuy sống trong tình hình chính trị xã hội đặc biệt, các chị cũng hòa mình thích nghi để sống theo tinh thần của Đấng Sáng Lập.
4. Bước ngoặc trong huấn luyện
Từ ngày Dòng Chúa Quan Phòng được thành lập tại Việt Nam, dường như nước chảy một chiều : Nhà Mẹ Portieux gửi nhân sự và tài chánh để hổ trợ cho Việt Nam.
Năm 1948, Mẹ Honorine LULIER,Bề Trên Tổng Quyền, nhận thấy cần phải cho nước chảy về nguồn nên đã đề nghị cho một số chị em được sang Pháp. Từ năm 1949- 1975, có tất cả 51 chị em Việt Nam sang Pháp.
Năm 1990, Tỉnh Dòng Việt Nam có mở lớp Thần Học với chương trình ba năm, do các cha Chủng Viện Cần Thơ đảm trách. Năm đầu có 9 chị Chúa Quan Phòng và các chị thuộc các Dòng : Mến Thánh Giá Sóc Trăng, Con Đức Mẹ Bình Thủy, Mến Thánh Giá Cái Nhum và Mến Thánh Giá Cái Mơn, làm thành một lớp với 30 học viên.
5. Ra khỏi Nam Vang
- Trung tâm Chúa Quan Phòng ở Sài Gòn (1953)
Do nhu cầu qua lại của các nữ tu ở Campuchia và Sài Gòn, cha Rablland khi ấy làm Bề Trên Thừa Sai, đã đề nghị Mẹ Rosalie mua lại biệt thự của một viên chức Pháp, tọa lạc tại góc đường Blanchy và Larclauze nay là Hai Bà Trưng -Trần Cao Vân, để làm trụ sở cho các nữ tu. Ngôi nhà được sửa chữa xong, và cha Raballand đã làm phép nhà vào ngày 21.06.1953.
Trụ sở này ngày càng lớn mạnh, nó trở thành trường Mẫu Giáo, cấp I, rồi đến cấp II với khả năng chứa 2.000 học sinh cho hai ca mỗi ngày. Sau giải phóng, trường này được hiến cho nhà nước (phân nửa cở sở). Lúc đầu trường có tên là Bê Linh, sau ngày 30.04.1975 trường có tên là Mê Linh với khoảng 400 học sinh cấp I.
- Truyền giáo ở Kontum (07.1970)
Cộng đoàn đầu tiên được mở tại Plei Kobey vào tháng 07.1970 với sáu nữ tu. Một năm sau đó, tháng 8.1971 có ba cộng đoàn được mở cùng một lúc : cộng đoàn Paradis có 8 nữ tu, cộng đoàn Pleu Jarap có 4 nữ tu, cộng đoàn Trung Nghĩa có 5 nữ tu. Hai năm sau, cộng đoàn Kim Phước được thành lập theo lời mời gọi của Đức Cha để chăm sóc các em nội trú dân tộc.
Năm 1972 Kontum bỏ ngỏ, ai nấy đều phải di tản, các chị đi theo anh em dân tộc để phục vụ, chăm sóc họ. Sau khi tình hình lắng dịu, các chị trở lại nhiệm sở tiếp tục sứ mạng.
Tháng 7.1975 có 2 cộng đoàn nữa được mở : cộng đoàn Măng La với 2 nữ tu, cộng đoàn Phương Quý với 3 nữ tu.
Sau giải phóng, tất cả mọi người đều cũng gặp khó khăn về mọi mặt, các nữ tu cũng lao động như mọi người để sinh sống và giúp đỡ những người thiếu thốn hơn mình. Bên cạnh đó các chị vẫn không quên sứ mạng chính yếu của mình, đó là mục vụ họ đạo. Đến năm 1992, Kontum còn 4 cộng đoàn với 13 nữ tu.
6. Từ Nam vang về Cần Thơ
Năm 1955, Đức Cha Phaolo NGUYỄN VĂN BÌNH về nhận Giáo Phận Cần Thơ, vừa được tách khỏi Giáo Phận Nam Vang, Đức Cha đã đề nghị vối Mẹ Tổng Quyền Honorine LULIER dời Nhà Chánh của Dòng về Cần Thơ, vì Cần Thơ có nhiều phương tiện phát triển về kiến thức đạo đời cho chị em nữ tu. Bề trên thấy lời đề nghị của Đức Cha hợp lý nên tiến hành ngay việc di dời trụ sở.
Khu dưỡng lão được chọn làm cái nôi thứ ba cho nữ tu Chúa Quan Phòng sau Cù Lao Giêng và Nam Vang. Khu dưỡng lão được tái thiết lại, ngôi nhà 2 lầu, dài 50 mét, rộng 16m, ngày nay là dãy Nhà Tập, được khởi công ngày 01.04.1958 và hoàn thành ngày 01.12.1958.
Ngày 02.02.1959 là lễ mặc áo dòng cho 36 thỉnh sinh, do Đức Cha Phaolô NGUYỄN VĂN BÌNH chủ sự với sự hiện diện của linh mục, tu sĩ, cha mẹ và thân nhân của Tân Tập Sinh. Với nghi thức trang trọng này, nhà Chánh Dòng Chúa Quan Phòng chính thức trở lại Việt Nam sau 13 năm di tản. Và cũng từ đó việc quản trị Dòng được giao cho Mẹ GLOSSINTE với 2 cố vấn là Soeur Gérard MAI THỊ NHƠN và Soeur Ferdinanda LIÊU THỊ ĐÀO.
Trung tâm Cần Thơ đã trở thành nơi quy tụ các nữ tu Chúa Quan Phòng, nhất là vào những khóa tĩnh tâm, khóa bồi dưỡng đạo đời, nên cần có thêm chỗ. Một dãy nhà nữa được xây dựng song song và giống như dãy nhà trước, đó là Nhà Chung ngày nay. Ngôi nhà được khởi công ngày 01.04.1960 và hoàn thành ngày 03.11.1960, trong vòng 7 tháng.
Để phát triển Hội Dòng cách riêng, và đem lại lợi ích cho xã hội, cho Giáo Hội cách chung, trường Trinh Vương được xây dựng để đáp ứng cho nhu cầu này. Ngày 14.07.1963, một Thánh Lễ trọng thể được tổ chức trong tu viện do Đức Cha NGUYỄN KIM ĐIỀN chủ sự. Sau đó Đức Cha làm phép và chúc lành cho ngôi trường này. Trường nhận các em từ lớp Mẫu Giáo đến lớp 9, ban điều hành và giáo viên đều là nữ tu Chúa Quan Phòng. Năm 1964 bề trên xúc tiến cơi lầu III để mở thêm cấp III, nhưng mãi đến năm 1969 mới hoàn thành. Trường quy tụ hơn 3.000 học sinh mỗi năm cho đến năm 1975. Sau đó, trường phải giao cho nhà nước quản lý, các nữ tu giáo viên giải nghệ, các chị đi làm đủ thứ nghề, cày ruộng, cuốc đất…để sống.
7. Bề trên người Việt Nam đầu tiên
Năm 1962, Mẹ Marcelle HINTERLANG được bầu làm Tổng Quyền. Mẹ thường xuyên sang thăm Việt Nam và khi thấy sự phát triển của Hội Dòng tại đây, Mẹ quyết định trao quyền điều hành cho người bản xứ.
Năm 1965, trong chuyến kinh lý tại Việt Nam, Mẹ Tổng Quyền chính thức bổ nhiệm Soeur Benedictine HUỲNH THỊ NA làm Bề Dòng tại Việt Nam, lúc này Soeur vừa tròn 39 tuổi. Cùng với bốn chị cố vấn là : Soeur Raymonde HỒ THỊ MẠNG, Soeur Désirée NGUYỄN THỊ TỐT, Soeur Sylvie GIANG THỊ HƯƠNG, Soeur Saint-Eudes VÕ THỊ RI.
Trong giai đoạn này, Soeur Benedictine đã làm một nỗ lực rất lớn, là mở các khóa bồi dưỡng cho chị em trong Hội Dòng ; tất cả mọi thành phần trong Hội Dòng đều được tham dự.
Bên cạnh đó, Soeur còn đặc biệt quan tâm đến sứ mạng giáo dục của nữ tu Chúa Quan Phòng. Trong thời gian này các trường học của Dòng phát triển rất mạnh. Ba trường lớn được lên lầu để đáp ứng nhu cầu : trường trung tiểu học Sóc Trăng có hơn 3.000 học sinh, và hàng trăm nữ sinh nội trú ; trường Trinh Vương Cần Thơ có hơn 3.000 học sinh, có xe đưa đón học sinh ; trường trung tiểu học Bê Linh Sài Gòn với hơn 2.000 học sinh.
Ngoài ra, còn có trường miễn phí cho học sinh nghèo, đó là trường tiểu học Thanh Cảnh ngay cổng tu viện Cần Thơ, có rất đông học sinh nghèo được học tại đây.
Soeur tạo mọi điều kiện thuận lợi để nâng cao trình độ văn hóa của chị em. Và để chuẩn bị cho các em Kinh Viện chuẩn bị khấn trọn đời một cách nghiêm túc, Soeur đã mua một biệt thự tại Đà Lạt (30.10.1968) để các em được theo học lớp Thần Học Kinh Thánh tại Giáo Hoàng Học Viện.
Soeur cũng là người khởi xướng phong trào mừng Kim Khánh và Ngân Khánh Khấn Dòng cho chị em. Các chị em được mừng lễ rất vui mừng và cảm động.
8. Tỉnh Dòng Chúa Quan Phòng Việt Nam (1975)
Tổng Hội năm 1974 đã đem lại thay đổi lớn trong cơ cấu của Dòng Chúa Quan Phòng. Dòng chia thành 3 Tỉnh Dòng : Pháp-Bỉ, Campuchia, và Việt Nam.
Bề Trên Giám Tỉnh Việt Nam đầu tiên
Các Đại Biểu Hội Nghị ứng dụng được triệu tập về Sài Gòn để bầu Giám Tỉnh trong vội vã. Chị Thérèse Monique NGUYỄN THỊ HẢO được chọn làm Giám Tỉnh ngày 31.01.175, chị vừa tròn 32 tuổi. Chị lãnh đạo cùng với 6 cố vấn.
Chị Giám Tỉnh tổ chức, tạo điều kiện cho chị em trong Tỉnh Dòng học hỏi thánh Vịnh, Kinh Thánh, lịch sử Dòng. Chị cũng là người đầu tiên cho chị em tiếp cận linh đạo Thánh I-nhã : các chị em tĩnh tâm theo kiểu linh thao. Mở khóa tập III cho những chị em xong nhiệm kỳ làm chị Trưởng Cộng Đoàn. Gửi một số chị em học khóa ca trưởng.
Ngày 12.01.1976 là lễ Bách Chu Niên Lập Dòng tại Việt Nam, được chính quyền cho phép, chị Giám Tỉnh chị đã tổ chức lễ kỷ niệm này ở ba nơi : Cần Thơ, Sóc Trăng và Cù Lao Giêng để tất cả chị em có thể tham dự.
Sau khi đất nước được thống nhất, các cơ sở lớn của Tỉnh Dòng được chính quyền thăm viếng cách đặc biệt :
- Nhà Sóc Trăng
Ngày 19.03.1976 lúc 11g15, nhà Sóc Trăng được khám xét rất tỉ mỉ từng ngõ ngách cho đến 19g tối. Sau đó thì nhà nữ tu được các anh canh giữ cẩn thận. Có một cổng nhỏ các anh không canh gác, nhờ đó các chị được tiếp tế thức ăn, và tin tức từ bên ngoài. Đến 22g thì các chị bị khám người, nhưng họ không thấy gì, họ rút lui. Sáng hôm sau, việc khám xét nhà cửa được tiếp tục, nhưng khi không thấy gì để kết tội các chị, anh em ra đi. Sáng ngày 21.03.176, nhà lại bị một nhóm khác đến xét, cuối cùng cũng không thấy gì. Nhưng các chị vẫn bị quản chế, thỉnh thoảng có người đến giảng thuyết cho các chị nghe. Sau một tuần lễ túc trực nhưng không khám phá ra gì, anh em rút lui.
- Cù lao Giêng
Tu viện bị phong toả 55 ngày. Trong thời gian này các anh khám xét, lục soát mọi ngõ ngách ; các nữ tu và các em cô nhi phải sống cùng với các anh trong một thời gian dài như vậy. Sau thời gian này thì tu viện được trả tự do, tuy nhiên các cơ sở từ thiện của tu viện như : cô nhi viện, dưỡng lão, chẩn y viện, và nhà bảo sanh phải nhường lại cho nhà nước quản lý. Các em cô nhi phải trao lại cho Sở Thương Binh Xã Hội.
- Cần Thơ
Ngày 14.02.1984 lúc 1g15 sáng, phái đoàn khoảng 50 người gõ cửa tu viện đọc lệnh khám xét nhà. Sau 2 giờ khám xét, 16 chị tạm trú bất hợp pháp được các anh dẫn xuống lập biên bản, xong đưa về đồn, các chị bị giam 40 ngày. Một số các anh ở lại canh gác toàn bộ tu viện, gần sáng thì có khoảng 100 anh được bổ sung để lục soát tu viện. Các anh kiểm tra từng lai quần, trôn áo, đếm từng viên thuốc.
Tu viện bị bao vây, khám xét trong 21 ngày, giải tỏa vào ngày 05.03.1984, các chị bị giam lần lượt được trả về, lâu nhất là 60 ngày, ít nhất là 16 ngày.
Giai đoạn này tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng Dòng Chúa Quan Phòng rất thành công, các chị em tham gia nhiều công tác.
Bầu cử năm 1986, đến thời kỳ bầu lại Bề Trên Giám Tỉnh, chị Eustelle BÙI THỊ HOÀI được chọn làm Giám Tỉnh. Trong nhiệm kỳ, chị tổ chức lớp Thần Học 3 năm cho các chị em trong Dòng và một số Dòng khác đến học.
Vào năm 1992, toàn Tỉnh Dòng Việt Nam có 460 nữ tu, 91 cộng đoàn phục vụ trong các địa phận : Cần Thơ, Long Xuyên, Sài Gòn và Nam Vang.
III. Giai đoạn 1993 -2011(Giai đoạn này sẽ bổ sung sau)
Tỉnh Dòng Việt Nam ngày càng phát triển mạnh, số nữ tu và cộng đoàn tăng nhiều, vào năm 2011, có khoảng 700 nữ tu, và khoảng 120 cộng đoàn trải dài từ Cà Mau đến Kontum. Để cho việc quản lý Hội Dòng dễ dàng hơn, Tổng Tu Nghị 2010 tại Portieux đã quyết định chia Tỉnh Dòng Việt Nam thành 3 Tỉnh Dòng độc lập : Cần Thơ, Cù Lao Giêng và Tây Nguyên. Ba Tỉnh Dòng chính thức đi vào hoạt động ngày 15.11.2011.
Tham khảo:
-Lịch Sử Dòng Chúa Quan Phòng tại Việt Nam- Campuchia (1876 – 1992)
Ban Truyền Thông SPP