1. LỜI CHÚA
Bài đọc I : Cv 8, 5-8. 14-17
“Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm.
Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả.
Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần.
Ðó là lời Chúa.
Bài Ðọc II : 1 Pr 3, 15-18
“Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại”.
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Ðức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Ðức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại.
Ðó là lời Chúa.
Phúc Âm : Ga 14, 15-21
“Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác“.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó”.
Ðó là lời Chúa.
2. SUY NIỆM
Một sự hiện diện sống động “ở trong”
Phụng vụ Lời Chúa trong Chúa nhật hôm nay diễn tả sức sống mãnh liệt của Đấng Phục Sinh. Bài đọc 1 cho thấy sức sống này không còn bị đóng kín hạn hẹp nơi dân tộc Do Thái nhưng đã lan tỏa ra nơi các dân ngoại. Họ đã được nói cho biết về Đức Kitô và đã đón nhận lời Thiên Chúa, được chữa lành những bệnh tật thể xác và tâm hồn để không còn chạy theo tà thần nhưng trở thành dân của Chúa. Sang bài đọc 2, Thánh Phêrô kêu gọi mọi người hãy tôn thờ Đức Kitô trong lòng bởi Người đã chết về thể xác nhưng đã sống lại. Sự sống ấy được diễn tả không như sức mạnh của quyền uy thế lực mà là hiền hòa, chính trực thẳng ngay với một con tim yêu thương có sức mạnh cảm hóa lan tỏa đến mọi người. Chính sức sống này làm cho những người theo Chúa không chùng chân, không nản chí nhưng một lòng hy sinh chấp nhận gian khổ, còn những ai chống đối, vu khống sẽ phải xấu hỗ bẻ mặt. Đó chính là sự sống tuyệt vời của Đấng Phục Sinh, sự sống dồi dào phong phú mà Ngài thông ban cho các môn đệ để các ông được hiệp thông với Ngài và qua Ngài, hiệp thông với Ba Ngôi Thiên Chúa như chính Ngài đã nói trong Tin Mừng hôm nay.
Đây là những lời tâm tình của Chúa Giêsu với các tông đồ trước lúc ly biệt. Lời tâm tình thiết tha này mang đầy hoài bão, nâng đỡ và gieo niềm hy vọng của một người Thầy đối với các môn đệ mình hết mực yêu thương. Ta thấy Chúa Giêsu lặp đi lặp lại cụm từ “ở trong” “…Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con”. Điều này có ý nghĩa gì đối với chúng ta? Hãy xem những người thương nhau, họ luôn muốn ở cùng nhau, sống bên nhau để được nhìn mặt nhau, nghe giọng nói, thấy cử chỉ… và chắc chắn sẽ rất buồn khi xa nhau, thiếu vắng nhau, lúc đó người ta sẽ nhớ đến hình bóng của nhau trong tâm trí. Ở đây, tình yêu của Chúa Giêsu đối với các môn đệ còn đi xa hơn sâu hơn đến độ không chỉ ở cùng người mình yêu mà là “ở trong” và người đó cũng “ở trong” Ngài (Ga 14, 20). Không chỉ là gắn kết bên ngoài nhưng còn hiệp nhất nên một, hiệp thông nội tâm sâu xa trọn vẹn. Sự hiệp thông này không chỉ với mình Chúa Giêsu nhưng chính trong Ngài ta được hiệp thông trọn vẹn với Ba Ngôi Thiên Chúa. Lạ lùng thay, một sự hiện diện thật sự sống động chứ không phải chỉ là nhớ đến hình bóng của người mình yêu. Phải chăng Chúa muốn nói với các môn đệ và hôm nay Chúa cũng nói với mỗi người chúng ta rằng : Chúng ta là những người được Chúa yêu thương nên không chỉ được ở gần Ngài, đi bên cạnh Ngài nhưng còn hơn thế nữa : được “ở trong Ngài” và Ngài “ở trong mình”. Tôi nghĩ gì về điều tuyệt vời này ? Tôi là con người hữu hạn, yếu kém, tội lỗi… mà có thể ở trong Thiên Chúa là Đâng thánh thiện tinh tuyền và vô hình sao ? Điều con người không thể thì Thiên Chúa lại có thể bởi tình yêu của Ngài vô biên và quyền năng của Ngài khôn lường. Đối với những gì là vật chất thì không thể hòa nhập được nhưng trong thế giới tâm linh lại là điều có thể. Tôi có cảm thấy hạnh phúc và biết ơn Chúa về điều đó? Tôi có xác tín Đức Kitô Phục Sinh đang hiện diện trong tôi và đồng hành cùng tôi trên mọi nẽo đường ? Vậy tôi phải làm gì để được “ở trong Ngài” cách trọn vẹn ?
Chính Chúa Giêsu đã dặn dò kỹ lưỡng trong diễn từ ly biệt này : “Nếu các con yêu mến Thầy thì hãy giữ lời Thầy…” (Ga 14, 15) và “…ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến…” (Ga 14, 21). Những lời Thầy là gì nếu không phải tất cả được gồm tóm trong giới luật yêu thương : Kính Chúa và yêu người. Người yêu mến Chúa là người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Kính Chúa, yêu Chúa thì không thể làm ngược lại điều Ngài muốn. Ngài dạy tôi bỏ thói hư tật xấu, tôi có sẵn sàng ? Ngài muốn tôi sống ngay chính thật thà dù có phải thiệt thòi, tôi có dám ? Ngài muốn tôi trở thành muối, thành ánh sáng cho đời, cho người bằng chính đời sống công bình bác ái tốt lành của mình, tôi có thực hiện ? Ngài dạy tôi yêu người như yêu chính bản thân mình, tôi có dám dấn thân hy sinh để yêu thương và phục vụ tha nhân ? Ngài nói rất rõ : dấu chỉ để người ta nhận ra các con là môn đệ Thầy là : “các con thương yêu nhau” (Ga 13, 35). Không ai có thể yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương tha nhân, chính thánh Gioan cũng đã khẳng định : “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20). Chúa muốn tôi hiệp thông trọn vẹn với Ngài và hiệp hành với tha nhân để xây dựng Trời Mới Đất Mới ngay nơi môi trường tôi sinh sống, tôi đã làm gì ? Hiệp hành đòi tôi phải bỏ đi tính ích kỷ kiêu căng để sống vị tha hài hòa. Hiệp nhất mời gọi tôi bỏ đi tỵ hiềm đố kỵ để liên đới gắn kết… Và hơn thế nữa, Ngài ước muốn tôi ngày càng trở nên giống Ngài trong mọi tư tưởng và hành động. Tôi cần thay đổi điều gì để được Ngài “ở trong tôi” cách sống động để tôi có thể nói như Thánh Phaolo : “ tôi sống nhưng không phải là tôi mà là Đức Kitô sống trong tôi “ (Gl 2, 20) hay tôi cứ mãi là “nguyễn y vân” ???
Lạy Đức Kitô Phục Sinh, con tạ ơn Ngài vì đã không để con đơn độc một mình trong cuộc chiến đức tin nhưng luôn hiện diện sống động trong con. Xin cho con luôn xác tín vào tình yêu trường tồn của Chúa để trong mọi cảnh huống của cuộc sống dù lúc vui hay buồn, khi thành công hay thất bại, lúc an nhàn hay nguy nan con luôn bình tâm vì cảm nhận sự hiện diện và đồng hành của Chúa bên con. Xin cho mọi người được cảm nghiệm tình Chúa yêu thương để họ cũng yêu thương và sống hiệp thông với nhau hầu thế giới không còn chia rẻ, chiến tranh hận thù nhưng cùng nhau xây dựng một thế giới văn minh tình thương như lòng Chúa mong ước. Amen