Chiều, đi ngang qua ngôi giáo đường, chợt nghe vang lên giọng hát ngọt ngào của ca sĩ Mai Thiên Vân: “ Mùa hoa về rồi muôn hoa xinh con hái dâng Mẹ. Mùa hoa về rồi muôn hương thơm bay trước nhan Mẹ…” chợt thấy tâm hồn nôn nao khó tả, một cảm xúc lạ lẫm,chênh chao, nhẹ hẫng đang len lỏi vào tận các tế bào. Một mùa hoa nữa đang về, nghĩa là tôi đã bỏ lại sau lưng biết bao mùa hoa kỷ niệm của tuổi thơ. Cũng có nghĩa là tôi không còn thể hiện tình yêu dành cho Mẹ bằng những cử chỉ của trẻ con, hay dâng lên Mẹ những đóa hoa đồng nội mà tôi hái được mỗi khi mùa hoa về.
Giờ đây, cái tình cảm trẻ con qua đi để nhường chỗ cho những suy tư chín chắn và sâu sắc hơn. Dẫu không còn dâng cho Mẹ những đóa hoa ngạt ngào hương sắc, chóng nở, chóng tàn, nhưng tôi có thể dâng cho Mẹ hoa lòng là tràng chuỗi Mân Côi mỗi ngày,là những suy niệm về cuộc đời của Mẹ. Mãi mãi, Đức Maria luôn là Mẹ của tất cả chúng ta, là mẫu gương tuyệt vời về đức tin cho mỗi Kitô hữu qua mọi thời đại.
- FIAT- MỘT ĐỨC TIN MẠNH MẼ.
Giáo Hội đã nói về Đức Maria như sau: “Sự trói buộc do sự bất tuân của Eva đã được đức tuân phục của Mẹ Maria mở ra; điều mà Evà cột lại do sự vô tín thì Mẹ Maria đã tháo cởi do Đức Tin của Mẹ”. (LG 56)
Thật vậy, do sự bất tuân của “người nữ đầu tiên” mà cửa Thiên đàng đóng lại. Nhờ tiếng “Xin vâng” của Mẹ Maria- Eva mới mà nhân loại nhận được ơn cứu độ. Có thể nói, Đức Maria đã thưa “xin vâng” với một đức tin mạnh mẽ, một hành động đầy cam đảm. Không phải đến bây giờ Thiên Chúa mới tuyển chọn Đức Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế, mà việc tuyển chọn này đã nằm sẵn trong kế hoạch của Ngài. Thật vậy, để chọn Đức Maria, Thiên Chúa đã cho Mẹ sinh hạ trong một gia đình thấm nhuần đức tin và đạo đức. Mẹ cũng được Thiên Chúa gìn giữ khỏi mọi vết nhơ nguyên tội và Mẹ đã duy trì mãi được sự vô tội ấy trong suốt đời Mẹ.
Đức Maria đã đáp lời “xin vâng” với một sự tự do nội tâm và xác tín vào quyền năng của Thiên Chúa. Trước sứ mạng đột ngột mà Thiên Chúa trao- làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria bối rối, ngỡ ngàng: “ Chuyện đó sẽ xảy ra cách nào vì tôi không biết đến việc vợ chồng?” (Lc 1,34) Thế nhưng, Mẹ Maria vẫn mở lòng để lắng nghe lời giải thích của sứ thần. Không gian và thời gian dường như ngưng đọng, cả vũ trụ như ngừng thở trong chờ đợi một lời “xin vâng” . Thánh Augustinô đã rất chí lý khi nói: “ Khi dựng nên con Chúa không cần hỏi ý kiến con. Nhưng để cứu chuộc con Ngài cần con cộng tác”. Thiên Chúa hỏi ý kiến loài người mà Đức Maria là đại diện. Nếu loài người có ưng thuận thì công cuộc cứu độ mới được thực hiện, vì “Thiên Chúa không thể cứu chuộc ai, nếu người đó không đồng ý”. Và trong sự can đảm đầy niềm tin tưởng, Đức Maria đã mau mắn đáp lời FIAT: "Xin hãy làm cho tôi như lời sứ thần nói" (Lc 1,38). Trời đất vạn vật thở phào nhẹ nhõm, cỏ cây hoa lá reo hò trước lời xin vâng đầy dũng cảm của Mẹ. Mẹ Maria đã hành động hoàn toàn nhờ đức tin, Mẹ tin tưởng vào Đấng “có thể làm được mọi sự” dù thấy trước mắt biết bao hệ lụy: Giuse sẽ đối xử với Mẹ ra sao khi bào thai này không phải là của Giuse. Một thiếu nữ chưa chồng mà có con, hậu quả gì sẽ xảy ra? Rồi làm sao ăn nói với bà con chòm xóm, với gia đình cha mẹ hai bên? Chắc chắn Mẹ Maria đã nghĩ đến những đòi hỏi gắt gao của lời xin vâng đó. Mẹ biết lời xin vâng sẽ dẫn Mẹ đi rất xa trên con đường hy sinh, nhưng vì yêu thương nhân loại và nhờ đức tin, Mẹ đã đón nhận sứ mạng cách anh dũng.
Đức tin của Mẹ Maria vững vàng trong “ cái bấp bênh mà sứ điệp của Thiên Thần Chúa mang tới. Đức tin của Mẹ đứng vững cả khi sắp sinh con mà không kiếm được chỗ trú ngụ trừ ra cái chuồng bò. Đức tin của Mẹ đứng vững trước lời tiên báo khủng khiếp của cụ già Simêon. Đức tin của Mẹ vẫn vững vàng trong chuyến lưu đày sang Ai Cập và đức tin ấy mạnh mẽ khi Mẹ và Thánh Giuse tìm thấy Chúa trong Đền Thờ. Đức tin của Mẹ vẫn không chao đảo khi Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ công khai và phải đương đầu với sự cứng lòng tin và những mối đe dọa”. (Trích bài giảng tĩnh tâm của ĐHY James Hickey)
Suốt cuộc đời, Mẹ Maria đã đáp lại lời xin vâng với Chúa bằng một đức tin không hề lay chuyển, đến độ Giáo Hội đã gọi Mẹ là: TRINH NỮ CỦA ĐỨC TIN.
- TIỆC CƯỚI CANA- MỘT ĐỨC TIN ĐẦY KIÊN NHẪN.
Người đời cứ lầm tưởng đạo Công Giáo là một đạo khắc khổ với một mớ luật lệ phải giữ. Thế nhưng, sự hiện diện của Chúa Giêsu và các tông đồ trong tiệc cưới Cana đã chứng minh ngược lại. Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể làm người, Ngài đi vào cuộc đời, vào trần gian để chia sẻ mọi vui buồn với con người. Ngài hiện diện trong tiệc cưới Cana là để chia sẻ niềm vui với gia đình, với đôi tân hôn. Thế nhưng, sự có mặt của Ngài lại trở thành đề tài cho người đương thời gán ghép, chế giễu. Họ gọi Ngài là tay "bợm rượu". Họ so sánh Ngài với Gioan Tẩy Giả sống nơi hoang địa, ăn châu chấu và uống mật ong rừng cùng một đời sống khắc khổ. Tuy nhiên, tác giả Tin Mừng muốn chứng minh uy quyền của Đức Giêsu và giá trị của Đức Maria như thế nào. Cuộc đời của chúng ta cũng thế, nếu vắng bóng Chúa Giêsu và Mẹ thì sẽ thiếu vắng niềm vui, thậm chí còn gặp nhiều thiệt thòi nữa.
Theo tục lệ, đám cưới người Do Thái kéo dài một tuần lễ. Do đó,việc thiếu rượu là chuyện có thể xảy ra, vì ai biết được lượng khách là bao nhiêu để mà dự trữ? Với biệt tài của một phụ nữ tinh tế, nhạy bén hay quan tâm tới người khác, Mẹ Maria đã nhận ra sự lúng túng của gia chủ, và để cứu gia chủ khỏi một phen mất mặt, Mẹ Maria đã ngỏ lời với Đức Giêsu: " Này con, họ hết rượu rồi!" (Ga 2,3). Vừa nghe qua, chúng ta chỉ nghĩ đó là một lời thông báo mà thôi. Nhưng sâu xa hơn, Mẹ Maria muốn Chúa Giêsu làm một cái gì đó để giúp đỡ gia chủ. Đó không phải là yêu cầu hay một mệnh lệnh mà chỉ là một lời ngỏ. Nhưng sự quan tâm của Mẹ Maria đã bị Chúa Giêsu từ chối: "Thưa Bà, chuyện đó can gì đến Bà và tôi, giờ tôi chưa đến" (Ga 2,4). Dù bị Chúa Giêsu từ chối, nhưng Mẹ không thất vọng, linh cảm của người Mẹ hiểu những lời con mình nói, những hành động,cử chỉ của con. Mẹ Maria im lặng trong đức tin. Mẹ tin rằng không đứa con nào có thể từ chối lời yêu cầu của Mẹ mình. Vì tin vào Đức Giêsu, nên Mẹ đã bảo các gia nhân: " Người bảo gì các anh cứ việc làm theo" (Ga 2, 5). Đức tin của Mẹ Maria thật kiên nhẫn, kiên nhẫn ngay cả khi bị Đức Giêsu từ chối. Mẹ không hề nao núng, trái tim của một người Mẹ đã giúp Mẹ biết kiên nhẫn chờ đợi trong đức tin.
Và rồi, nhờ đức tin mà 6 chum nước lã đã biến thành rượu ngon. Người nội trợ Maria đã cứu gia chủ một bàn thua trông thấy. Vậy đó, tình yêu của người Mẹ là luôn quan tâm, yêu thương và tế nhị chăm sóc con cái. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ quên chạy đến với Mẹ, nhất là trong những lúc gặp khó khăn, sóng gió, mất mát, cay đắng, thua thiệt trên đường đời. Mẹ Maria biết sẽ làm gì để giúp đỡ chúng ta, Mẹ sẽ không bao giờ từ chối giúp đỡ chúng ta ngay cả khi dường như Thiên Chúa im lặng để chúng ta chới với một mình giữa biển đêm, thì Mẹ Maria sẽ ngỏ lời với Thiên Chúa và chắc chắn Ngài sẽ không bao giờ từ chối lời yêu cầu của Mẹ.
Chính Thánh Bênađô đã kinh nghiệm trong việc gặp gỡ Mẹ Maria đã nói như sau: " Theo Mẹ, bạn không lạc lối, cầu xin Mẹ, bạn không thất vọng, thỉnh giáo Mẹ, bạn không lầm lạc. Được Mẹ đỡ nâng, bạn sẽ không vấp ngã. Được Mẹ chở che, bạn sẽ không sợ hãi. Được Mẹ dìu dắt, bạn sẽ an tâm và sẽ đạt tới đích".
3.DƯỚI CHÂN THẬP GIÁ- MỘT ĐỨC TIN QUẬT CƯỜNG.
" Bên cây thập tự u buồn
Sầu bi mẹ đứng mắt buồn lệ vương
Giêsu hấp hối từng cơn
Mẫu tâm chia sớt đoạn trường với con".
Có nỗi đau nào lớn hơn nỗi đau của người Mẹ phải chứng kiến con mình quằn quại, đau đớn từng cơn mà không thể làm gì cho con được. Có nỗi đau nào tê tái cho bằng phải im lặng nhìn con mình bị người ta sỉ nhục, chế giễu, hành hạ. Lòng mẹ còn tan nát hơn khi nhìn con mình chết mà không một tấm áo che thân, trần trụi trên cây thập giá. Thế nhưng, Mẹ Maria không hề gục ngã, không khóc lóc vật vã, không quay lại mắng chửi quân lính và dân chúng. Mẹ im lặng và đứng thẳng. Cái đứng thẳng của bà Mẹ mất con sao mà anh hùng quá, can đảm quá! Mẹ im lặng để đau cùng cái đau của con. Mẹ im lặng để đón nhận thánh ý Thiên Chúa, và Mẹ im lặng để nhớ lại lời tiên tri của cụ già Simêon ngày nào trong đền thờ: "Một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà" (Lc 2,35). Người Trinh Nữ của đức tin đã đứng thẳng bên thập giá với một niềm tin quật cường, bởi Mẹ tin rằng cái chết của Con Mẹ là hoàn tất lời hứa cứu độ của Thiên Chúa với nhân loại. Mẹ đứng thẳng dưới chân thập giá như một minh chứng hùng hồn vào đấng chịu đóng đinh dù trái tim Mẹ đã rách nát vì đau đớn. Đức Thánh Cha Pio IX đã nhấn mạnh đến sự kiện Mẹ Maria đứng bên thập giá như sau: " Như một phụ nữ can trường, Mẹ đã trèo lên đỉnh Golgotha...Mẹ rất thánh đã cất cao đầu đứng dưới chân thánh giá".
" Giê su hấp hối thảm thương
Mẫu tâm chia sớt đoạn trường với con".
Chúng ta có thể so sánh hình ảnh Mẹ Maria vẫn đứng kiên cường dưới chân thánh giá với hình ảnh của các tông đồ và đám đông dân chúng. Trong khi tình mẫu tử đã giúp Mẹ Maria kiên cường đứng đó để thông phần nỗi đau với Chúa Giêsu thì các tông đồ, những người cùng ăn, cùng uống với Chúa đã nhát đảm bỏ chạy. Họ không đủ can đảm để chia sẻ "giờ" mà thầy mình phải chịu. Thánh Ambrôsiô đã so sánh như sau: " Đức Mẹ đã đứng trước thập giá trong khi các nam nhân bỏ trốn". Trong khi Mẹ im lặng để tham dự trọn vẹn "giờ" cuả Chúa Giêsu thì đám đông dân chúng, những người đã từng được Chúa chữa bệnh, giảng dạy, trừ quỷ... những người đã từng mang ơn Chúa lại la hò ầm ĩ, chế giễu, mắng nhiếc. Thật tương phản làm sao khi cùng một bức tranh mà hai hình ảnh lại hoàn toàn đối nghịch. Thật không ngoa khi chúng ta dám khẳng định rằng: Mẹ Maria đã bị đóng đinh cùng với Chúa Giêsu. Chắc chắn là thế, vì chưa bao giờ Mẹ vắng mặt bên cạnh Đức Giêsu: từ khi chào đời, trốn sang Ai cập,trở về Nazaret và suốt thời gian sống ẩn dật đến quãng đời công khai của Chúa Giêsu, và Mẹ càng không thể xa cách Ngài nhất là trong giờ phút chia lìa giữa sự sống và cái chết.
Nhờ đức tin quật cường và sức mạnh nội tâm mà người Mẹ đau khổ ấy đã đứng vững vàng dưới chân thập giá để thông phần đau khổ với Chúa Giêsu- Con Mẹ. Có thể gọi hình ảnh Mẹ Maria đứng dưới chân thập giá là một hành vi tử đạo chăng? Dù rằng Mẹ Maria không chết để làm chứng cho đức tin, không bị điệu ra pháp trường, không bị quân lính hành hạ, cũng không bị đao phủ giết chết. Mẹ cũng không chịu tử đạo đau đớn nơi thân xác, nhưng Mẹ đã tử đạo trong chính nội tâm của mình, đồng thời Mẹ đã anh dũng trao ban cả người Con yêu dấu cho nhân loại. Chính thánh Bê-na-đô đã từng quả quyết rằng Mẹ Maria đã thật sự tử đạo, và Ngài nói thêm: " Mẹ còn hơn cả một vị tử đạo".
- LỜI KẾT
Có thể nói rằng, cả cuộc đời Mẹ Maria là một chuỗi những biến cố và Mẹ đã sống các biến cố ấy bằng một đức tin anh dũng, kiên trung và can đảm, mặc dù lắm lúc Mẹ cũng lần mò trong đêm tối đức tin, cũng bối rối, cũng hoang mang. Nhưng Mẹ Maria đã vượt qua nhờ biết "ghi nhớ và suy niệm trong lòng" (Lc 2,19.51) những biến cố xảy đến cho Mẹ. Người Trinh Nữ đức tin ấy đã gắn kết đời mình với Chúa Giêsu. Mẹ biết để cho Chúa Thánh Thần dẫn dắt, biết lắng nghe và để cho Thiên Chúa hoàn thành kế hoạch của Ngài trên cuộc đời mình.
Phần chúng ta, có khi nào chúng ta biết thưa "Fiat" với Chúa khi Ngài ngỏ lời với chúng ta qua các biến cố lớn nhỏ hằng ngày không? Có khi nào chúng ta đã sống đức tin một cách kiên cường, dũng cảm ngay khi biết rằng sóng gió cuộc đời gần như vùi dập và nhấn chìm chúng ta không? Chúng ta để cho Thiên Chúa hướng dẫn cuộc đời mình hay chúng ta luôn đi bước trước trước ý định của Thiên Chúa?
Hãy nhìn lên Mẹ Maria và xin Mẹ ban cho chúng ta biết noi gương Mẹ, luôn đáp tiếng xin vâng với một đức tin mạnh mẽ, dũng cảm, để thánh ý Chúa được hoàn thành trên cuộc đời của chúng ta.
Lạy Mẹ Maria- Trinh Nữ của đức tin. Xin cầu cho chúng con.
Lạy Chúa,con tin, nhưng xin nâng đỡ đức tin yếu kém của chúng con . Amen
Sr Teresa Trúc Băng TD Cần Thơ